Xuất Lễ: Tăng thu từ cây hồi

Thứ 7, 19.06.2021 | 15:19:50
1,557 lượt xem

Những năm qua, từ trồng hồi, nhiều người dân trên địa bàn xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp đến thăm rừng hồi của gia đình ông Dương Hữu Chung, thôn Co Khuông. Ông Chung chia sẻ: Gia đình tôi trồng hồi được hơn 30 năm, 10 năm trở lại đây, gia đình bắt đầu có nguồn thu từ hồi với 4 ha cho thu hoạch, trung bình mỗi năm cho sản lượng từ 2 đến 4 tấn, năm được mùa có thể đạt đến 6 tấn. Dù giá cả chưa thật sự ổn định, nhưng hằng năm thu nhập từ hồi của gia đình đều đạt từ 100 triệu đồng trở lên. Hiện nay, gia đình tôi đã phát triển thêm 2 ha hồi, dự kiến vài năm nữa sẽ cho thu hoạch, góp phần nâng cao nguồn thu nhập.

Người dân thôn Co Khuông, xã Xuất Lễ chăm sóc cây hồi

Không chỉ riêng gia đình ông Chung, hiện nay, trên địa bàn xã Xuất Lễ có hơn 600 hộ trồng hồi đều cho thu nhập cao, trải đều ở 13 thôn với diện tích khoảng 1.100 ha, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Co Khuông, Bản Lề – Bản Ngoã, Co Chĩ, Tẩư Lìn… Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân đều có nguồn thu từ hồi, hộ ít khoảng 50 triệu đồng/năm, hộ nhiều trên 100 triệu đồng/năm. Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2019 đến nay, giá hồi tươi đều ở mức trên 30 nghìn đồng/kg, đặc biệt năm 2020 đạt mức khoảng 80 nghìn đồng/kg.

Ông Tô Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ cho biết: Xác định hồi là cây trồng chủ lực cho giá trị kinh tế cao, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ người dân áp dụng các biện pháp nâng cao giá trị cây hồi như: thực hiện dự án chăm sóc hồi hữu cơ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức tập huấn,…

Theo đó, trong năm 2020, xã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện… thực hiện dự án chăm sóc hồi hữu cơ với 70 hộ dân tham gia trên tổng diện tích khoảng 30 ha. Khi tham gia dự án, người dân cam kết không sử dụng các loại thuốc hóa học trên cây hồi, không bón phân hóa học; tiến hành phát quang, tạo tán, tỉa cành đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt. Đồng thời, các hộ tham gia dự án đều cắm biển, gắn số trên cây để tiện theo dõi… Từ khi tham gia dự án, ý thức chăm sóc rừng hồi của các hộ dân tiếp tục được nâng lên, dần hình thành thói quen phát quang tạo tán, tỉa cành cho cây. Đồng thời, các hộ tham gia dự án được hỗ trợ trên 14 tấn phân bón hữu cơ để chăm sóc, nhờ đó tạo tiền đề để năng suất và chất lượng hồi ngày một nâng cao.

Song song với đó, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn cho người dân. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm xã tổ chức được 1 lớp tập huấn (chuyên đề hoặc lồng ghép) về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hồi. Người dân được hướng dẫn chặt bỏ những cây hồi già, năng suất kém và trồng cây mới đảm bảo khoảng cách, ánh sáng… để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Những năm qua, cây hồi đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, góp phần thay đổi đời sống bà con nơi đây. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 34,08% thì đến năm 2020 chỉ còn 8,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm.

Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của huyện định hướng bà con xây dựng sản phẩm hồi thành sản phẩm OCOP để nâng giá trị, quảng bá thương hiệu hồi ra thị trường, phát triển cây trồng theo hướng bền vững


THANH MAI/BAOLANGSON.VN

https://baolangson.vn/kinh-te/429370-xuat-le-tang-thu-tu-cay-hoi.html

  • Từ khóa