Sau đại dịch COVID-19, ngành chăn nuôi nói chung, mảng gia cầm nói riêng đang còn rất nhiều thách thức, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá sản phẩm gia cầm trong thời gian dài luôn ở dưới giá thành sản xuất. Chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỉ lệ lớn, dẫn đến kiểm soát dịch bệnh còn khó khăn.
Toàn cảnh hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới - Ảnh: VGP/ Đỗ Hương
Ngày 27/4, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới.
Giá gia cầm vẫn còn bấp bênh
Theo Cục Chăn nuôi, trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000 -35.000 đồng/kg thịt hơi, giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung, miền Nam và tuỳ thời điểm, vùng miền. Giá bình quân từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg. Giá gà thịt lông trắng giống đến tháng 4 dao động từ 9.000 -13.000 đồng/con.
Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp không có chênh lệch giữa các miền. Trong tháng 1/2023, giá duy trì 39.000 - 43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3; sau đó giảm còn 26.000 - 32.000 đồng/kg trong tháng 4. Trong các tháng đầu năm 2023, giá trứng gà dao động từ 1.750 – 2.200 đồng/quả; trứng vịt từ 2.200 - 2.400 đồng/quả.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thời gian vừa qua, giá bán sản phẩm chăn nuôi luôn dưới giá thành sản xuất, đặc biệt gà lông trắng.
Cũng theo ông Chinh, thời gian qua nhiều địa phương quan tâm đến ngành chăn nuôi gia cầm, coi đó là ngành hàng chính vì những ưu điểm như có vòng đời ngắn, đáp ứng nhanh nhu cầu thực phẩm ra thị trường; xử lí môi trường đơn giản, đỡ tốn kém hơn nhiều so với nuôi lợn; kiểm soát dịch bệnh tốt hơn trong khi nuôi lợn vẫn bị dịch tả lợn châu Phi đe doạ…
Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, ngành chăn nuôi nói chung, mảng gia cầm nói riêng đang còn rất nhiều thách thức, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỉ lệ lớn, dẫn đến kiểm soát dịch bệnh còn khó khăn.
Ông Chinh chia sẻ: "Nhiều địa phương đang phải đối đầu với một khó khăn lớn, đó là hết 2025 phải di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng cấm, di chuyển đi đâu, quỹ đất đai thế nào đang là bài toán khó".
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), mặc dù chăn nuôi gia cầm có tăng trưởng tương đối cao nhưng kém bền vững. Giá sản phẩm gia cầm trong thời gian dài luôn ở dưới giá thành sản xuất.
Trong khi đó, trong 5 năm gần đây sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%/năm), chiếm từ 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, hàng năm, một khối lượng lớn gà sống để loại thải được nhập tiểu ngạch, thậm chỉ nhập lậu qua biên giới (theo ước tính của các chuyên gia khoảng 200.000 tấn – 250.000 tấn/năm).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ với các doanh nghiệp chăn nuôi trong hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Cần rà soát Chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA nêu vấn đề, để xuất khẩu được sản phẩm trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, trong khi Việt Nam cũng khá "rộng cửa" nhập khẩu cho các sản phẩm chăn nuôi nên các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cũng bị cạnh tranh mạnh mẽ ngay trên sân nhà.
Ông Nguyễn Thanh Sơn đề xuất: "Đã đến lúc có các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua. Đề nghị các bộ, ngành sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế".
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát, tập trung ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; trong đó, có gà để loại thải, tạo hành lang biên giới an toàn nhằm ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát và gây áp lực lên thị trường trong nước. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công An tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc nhập lậu động vật và sản phẩm từ động vật qua biên giới.
Trước bối cảnh sản xuất và tiêu thụ đó, ông Nguyễn Thanh Sơn đề nghị, Bộ NN&PTNT xem xét rà soát lại Chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn. Theo đó, định hướng phát triển cần hải hòa giữa phát triển số lượng và chất lượng, coi trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hơn là tăng quá nóng về số lượng. Đồng thời, hạn chế tăng số lượng và quy mô trang trại tại một số khu vực, vùng sinh thái có mật độ chăn nuôi cao.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá chăn nuôi gia cầm giữ vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo tăng cường liên kết sản xuất, đặc biệt là tổ đội sản xuất, doanh nghiệp để dẫn dắt bà con sản xuất theo tiêu chuẩn, thu mua sản phẩm cho bà con.
Để tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu, bên cạnh việc tuân thủ các điều kiện đã ký kết về thương mại, Việt Nam cũng xây dựng các tiêu chuẩn để ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều này sẽ đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi trong nước.
Đỗ Hương
https://baochinhphu.vn/tim-giai-phap-go-kho-cho-chan-nuoi-gia-cam-102230427125334854.htm