Khó khăn từ thị trường, chi phí lãi vay tăng khiến loạt đại gia nuôi heo Dabaco, BaF… gặp khó. Có doanh nghiệp lỗ kỷ lục, có đơn vị lợi nhuận đi lùi.
Trái ngược với cảnh hàng loạt đại gia đua nhau xí phần thị trường nuôi heo khi quy mô thị trường này được dự báo lên đến 15 tỷ USD (báo cáo thường niên 2021 của Masan MeatLife), các doanh nghiệp kinh doanh heo đang cho thấy một quý kinh doanh khó khăn.
Ngấm đòn lãi vay
Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) - doanh nghiệp chăn nuôi nội địa đứng đầu thị trường - lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng quý đầu năm nay.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cho thấy Dabaco ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.314 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm ngoái, khoản thu từ bất động sản "cứu" lợi nhuận ông lớn nuôi heo Bắc Ninh. Sang năm nay, hụt mấy khoản này, cộng với việc kinh doanh dưới giá vốn, quý I/2023, công ty lỗ gộp 70 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh chính còn ghi nhận âm 872,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 113,2 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 215,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 610,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Đánh mạnh mảng chăn nuôi heo với mô hình 3F (feed - farm - food), Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) thoát lỗ ngoạn mục nhờ nguồn thu từ thanh lý tài sản. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cốt lõi không mấy khả quan khi doanh thu 3 tháng đầu năm giảm 47%, xuống còn 816 tỷ đồng. Lãi vay của BaF cũng tăng từ 4 tỷ đồng lên hơn 22 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế "bốc hơi" 95,5%, còn gần 4 tỷ đồng.
Thực tế, từ quý IV/2022, Dabaco, BaF đã có kết quả kinh doanh "đi lùi" do giá heo giảm khi nguồn cung ổn định, chi phí thức ăn chăn nuôi cao...
Với các tập đoàn đa ngành, mảng chăn nuôi cũng mang về kết quả "đi lùi" hơn trước. Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) ghi nhận mảng nông nghiệp lỗ 117 tỷ đồng - lớn nhất từ khi bắt đầu hoạt động năm 2015, cũng là quý lỗ thứ 2 liên tiếp. Bên cạnh chăn nuôi heo, Hòa Phát còn đang cung cấp trứng gà sạch vào các siêu thị.
Mảng bán heo của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) chưa công bố kết quả kinh doanh chi tiết. Song Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (hay bầu Đức) từng thông tin mảng nuôi heo năm nay dự kiến không có lãi và thực tế kết quả kinh doanh quý I năm nay đã không có lãi.
Bầu Đức cũng từng nhiều lần chia sẻ kế hoạch nuôi 1 triệu con heo ăn chuối vào năm 2023, song lại chuyển hướng sang duy trì đàn 600.000 con, giữa bối cảnh giá heo hơi ở mức thấp kéo dài.
Một chuồng heo của Hòa Phát (Ảnh: HPG).
Doanh nghiệp nuôi heo gặp khó khăn gì?
Theo các doanh nghiệp, quý I năm nay là giai đoạn kinh doanh khó khăn của ngành chăn nuôi nói chung. Bầu Đức, trong phiên họp thường niên của công ty, nhìn nhận đặc sản heo ăn chuối của công ty phân phối còn lệch hướng và chậm nhịp, do tình hình kinh doanh chung trên thị trường khó khăn.
Hay theo ban lãnh đạo Dabaco, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi vẫn liên tục tái phát. Ngoài ra, chi phí chăn nuôi tăng cao trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm trên thị trường ở mức thấp trong thời gian dài, dẫn đến kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - thì cho biết các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết đang kiệt quệ, mong ngân hàng gia hạn nợ vay. Lý do là giá thành chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán ở mức thấp khiến hàng loạt người dân và doanh nghiệp chăn nuôi thua lỗ nặng và treo chuồng.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp lớn muốn thâm nhập vào ngành chăn nuôi heo khi thị trường trong nước được dự báo có quy mô khoảng 15 tỷ USD.
Thaiholdings thông qua công ty con - Thaigroup đã đầu tư 600 tỷ đồng hợp tác kinh doanh với bên thứ ba để chăn nuôi heo và sản xuất heo giống qua dự án chăn nuôi công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi heo trên thị trường lại cho thấy con số ảm đạm. Giá heo hơi hiện vẫn ở mức thấp, trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg.
Dự báo về năm nay, VNDirect nói khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt nhờ giá lợn được kỳ vọng tăng 5%, lên 59.000 đồng/kg vào năm 2023, nhờ giá thịt heo Trung Quốc phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại. VNDirect kỳ vọng các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ ghi nhận kết quả tích cực hơn từ năm 2023.
Tương tự, SSI Research giả định dịch bệnh được kiểm soát tốt giúp sản lượng tăng, giá heo hơi sẽ đạt khoảng 60.000 đồng/kg vào năm 2023. Chi phí thức ăn chăn nuôi cũng được cho là sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quý II. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là chất xúc tác cần theo dõi trong lĩnh vực này. SSI dự báo hoạt động thương mại qua biên giới sẽ hỗ trợ giá heo hơi trong năm nay.
Thảo Thu/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-chan-nuoi-heo-ngam-don-lai-vay-20230502145657599.htm