Chiều 4-5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí để trao đổi thêm thông tin về việc điều chỉnh giá điện vừa được đưa ra.
Tác động lên CPI rất nhỏ
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27-4-2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4-5-2023.
Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được tính toán dựa trên các yếu tố gồm phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ… Mặc dù 4 năm qua giá thông số đầu vào tính toán giá bán lẻ điện bình quân đã có nhiều biến động nhưng giá điện đã được Chính phủ, bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nỗ lực giữ ổn định.
Quang cảnh cuộc họp. |
Tuy vậy, khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không tránh khỏi. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Điều này cũng dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, mức tăng giá này phần nào giảm bớt khó khăn tài chính của EVN. Về tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nếu tăng giá điện 5% sẽ làm CPI tăng 0,17%, nên việc tăng giá 3% sẽ có tác động lên CPI rất nhỏ.
Ông Nguyễn Xuân Nam cũng cho biết, tăng giá điện chỉ là một trong các giải pháp giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN, EVN cũng đã có các giải pháp nội tại như tiết giảm chi phí, như năm ngoái giảm 10% chi phí thường xuyên thì năm nay giảm 15%, sửa chữa lớn tiếp tục cắt giảm mạnh,… Bên cạnh đó, EVN cũng phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện; đồng thời huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ. "Trong điều kiện nhiều năm nắng nóng, nguồn nước thủy điện, giá nhiên liệu tăng cao như vậy, EVN vẫn đảm bảo đủ điện cho đất nước, thì đó là nỗ lực rất lớn. EVN đã phải gồng mình như thế nào để đảm bảo mục tiêu cung ứng đủ điện cho đất nước", ông nguyễn Xuân Nam bày tỏ.
Hoạt động sửa chữa hệ thống điện. |
Các hộ gia đình chi trả thêm từ 2.500 đồng tới 27.200 đồng/tháng
Tính toán của EVN cũng cho thấy, việc điều chỉnh tăng giá điện cũng không tác động lớn đến khách hàng sử dụng điện.
Cụ thể, với các hộ tiêu thụ, theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng; 100 kWh/tháng; 200 kWh/tháng; 300 kWh/tháng; 400 kWh/tháng lần lượt là 2.500 đồng/hộ; 5.100 đồng/hộ; 11.100 đồng/hộ; 18.700 đồng/hộ; 27.200 đồng/hộ.
Ngoài ra, hiện nay, trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.
Có 1,822 triệu hộ sản xuất, thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.
Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-gia-dien-moi-ho-dan-phai-tra-them-bao-nhieu-tien-727032