Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) đã tập trung giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho vay phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Qua đó, góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến kinh tế cũng như ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước tình hình đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện Nghị quyết 11, NHCSXH được giao triển khai 5 chương trình cho vay để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Tiếp nối các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là một trong những giải pháp tạo thêm động lực và “sức bật” cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn hướng dẫn người dân vay vốn chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Xác định nguồn vốn tín dụng là “trợ lực” để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế, ngay sau khi Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức triển khai, tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Trên cơ sở xác định đối tượng, điều kiện vay vốn của từng chương trình, chi nhánh đã có cách tuyên truyền, hỗ trợ phù hợp để người dân hoàn thiện hồ sơ, tiếp cận với nguồn vốn một cách nhanh chóng, kịp thời. Ví dụ như đối với chương trình nhà ở xã hội, chi nhánh đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thành phố tuyên truyền về đối tượng, mức vay tại các buổi giao dịch xã, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn, ngân hàng cử cán bộ hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục kịp thời; đối với chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng về chương trình vốn kịp thời để họ vay vốn sửa chữa nhà ở, phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc hướng dẫn, định hướng người dân sử dụng nguồn vốn để đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả.
Từ khi triển khai chương trình đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tổ chức được 3 lớp tập huấn nghiệp vụ cho vay về các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Ngoài ra, tại phòng giao dịch các huyện, thành phố cũng thường xuyên tuyên truyền tại các buổi giao dịch xã hằng tháng; có tờ rơi kèm văn bản gửi đến các cơ quan, ban ngành; phối hợp tuyên truyền về các chương trình cho vay trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn huyện tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý vốn cho cán bộ ngoài ngành được trên 200 cuộc.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hữu Lũng cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình, khi có Nghị quyết 11/NQ-CP, phòng giao dịch đã tham mưu UBND huyện, Ban đại diện NHCSXH huyện ban hành văn bản chỉ đạo các phòng ban liên quan, tổ chức hội các cấp, UBND xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP đến với người dân trên địa bàn. Đồng thời tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn đến tận từng thôn, bản. Ngay khi được giao vốn, cơ sở đã triển khai họp tổ bình xét vay vốn và hoàn thiện hồ sơ giải ngân kịp thời để người dân thực hiện đầu tư vốn vào phát triển sản xuất kinh doanh. Từ khi triển khai đến nay, đơn vị đã cho 341 lượt khách hàng vay vốn với số tiền gần 25 tỷ đồng.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nguồn vốn được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. Đến cuối tháng 4/2023, tổng dư nợ của 5 chương trình cho vay theo Nghị quyết 11//NQ-CP của Chính phủ đạt hơn 317 tỷ đồng với trên 4.600 lượt khách hàng vay vốn. Cụ thể: Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có dư nợ 160 tỷ đồng, với 3.189 lượt khách hàng vay vốn; chương trình học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập 5,7 tỷ đồng với 408 khách hàng vay; chương trình nhà ở xã hội 124 tỷ đồng với 398 khách hàng vay vốn; chương trình cho vay phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28/NĐ-CP là 27,2 tỷ đồng với 608 khách hàng dư nợ; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 508 triệu đồng, 7 cơ sở vay vốn.
Gia đình chị La Thị Chuyên, khu Hoàng Văn Thụ, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn là một trong những hộ được giải ngân chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Chị Chuyên cho biết: Gia đình tôi có nghề làm bánh truyền thống để cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn huyện, năm 2021 và đầu năm 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn nên thu nhập gia đình tôi hầu như không có. Đến cuối năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thị trường tiêu thụ mở rộng, gia đình tôi lại gặp khó khăn về vốn. Được sự hướng dẫn, tuyên truyền của Hội Phụ nữ thị trấn, cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng để mua các nguyên liệu làm bánh. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm từ 50 đến 60 kg gạo để làm các loại bánh (bánh chưng đen, bánh rán…), bình quân mỗi tháng đem lại thu nhập 10 triệu đồng cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 2 lao động.
Không chỉ gia đình chị Chuyên, từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của các chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã “tiếp sức” kịp thời để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Sau hơn 1 năm triển khai chương trình, nguồn vốn cho vay đã giúp tạo việc làm cho trên 4.000 lượt lao động; giúp trên 400 hộ cải tạo, xây mới nhà để ở; trên 500 lượt hộ vay vốn để xây nhà ở, chuyển đổi nghề theo Nghị định 28…
Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP; rà soát đối tượng vay vốn; tập trung tổ chức cho vay bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, tập trung tổ chức cho vay bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch.
Các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 gồm: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đối tượng vay vốn là người lao động và cơ sở sản xuất kinh doanh; cho vay nhà ở xã hội, đối tượng vay vốn là người có công với cách mạng, người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức; cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính đối tượng là học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo, đối tượng chính sách; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, đối tượng vay vốn là cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục và cơ sở giáo dục mần non dân lập, tư thục; cho vay phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đối tượng vay vốn là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
KIM HUYÊN