Ông Ki Tack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cho rằng, Cục Hàng hải Việt Nam cần cân nhắc việc tăng cường hơn nữa sự hiện diện của Việt Nam tại IMO, thể hiện sự đóng góp, cam kết của Việt Nam đối với tổ chức này, bằng việc sớm hiện thực hoá việc cử tuỳ viên hàng hải tại IMO.
Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) làm việc với ông Ki Tack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - Ảnh: VGP/PT
Cục Hàng hải Việt Nam-Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và đại diện lãnh đạo các tổ chức giúp việc, các đơn vị trực thuộc, 22 cảng vụ hàng hải vừa có buổi làm việc với ông Ki Tack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Việt, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cảm ơn Tổng Thư ký IMO đã dành thời gian tham dự Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN lần thứ 44 tại Đà Nẵng và làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh năm 2024 đánh dấu 40 năm Việt Nam gia nhập IMO (1984-2024) và kỷ niệm chặng đường gần 60 năm hình thành và phát triển của ngành hàng hải Việt Nam (5/1965-5/2023).
Đề nghị Việt Nam sớm cử tùy viên hàng hải tại IMO
Tổng Thư ký IMO chúc mừng Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN thành công và bày tỏ mong muốn Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong khối ASEAN, đặc biệt đối với vấn đề khử carbon, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành vận tải biển.
Cũng tại buổi làm việc, Tổng Thư ký IMO cho rằng, với tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành hàng hải Việt Nam nói riêng và tiềm lực của đội ngũ lãnh đạo có trình độ cao, giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết của Cục Hàng hải Việt Nam, ngành hàng hải Việt Nam đang đi rất đúng hướng và sẽ phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa.
Tổng Thư ký IMO cũng chia sẻ thêm về mối quan tâm lớn của IMO trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu và quyết tâm chung của IMO trong việc triển khai Chiến lược này.
Tổng Thư ký IMO cũng cho rằng, Cục Hàng hải Việt Nam cần cân nhắc việc tăng cường hơn nữa sự hiện diện của Việt Nam tại IMO, thể hiện sự đóng góp, cam kết của Việt Nam đối với tổ chức này, bằng việc sớm hiện thực hoá việc cử tuỳ viên hàng hải tại IMO.
Thống nhất bảo vệ môi trường trong vận tải biển
Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt khẳng định, Cục Hàng hải Việt Nam cam kết luôn là thành viên có trách nhiệm đối với IMO và sẽ thực hiện các ý tưởng mà Tổng Thư ký và Cục Hàng hải Việt Nam đã thống nhất, phù hợp với mục tiêu chống biến đổi khí hậu, chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí metan trong lĩnh vực hàng hải.
Đồng thời đề nghị Tổng Thư ký IMO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả 24 công ước hàng hải của IMO mà Việt Nam đang là thành viên thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật (ITCP-IMO’s Technical Cooperation Program), chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia, đào tạo-tập huấn; đặc biệt là đối với các công ước quốc tế mà Việt Nam sẽ phê chuẩn trong năm 2023 như Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu 2004 (Công ước BWM 2004).
"Chúng tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của IMO trong quá trình Việt Nam tăng cường hiện diện tại IMO, trong đó có việc cử tuỳ viên hàng hải tại IMO, tiến tới tranh cử Nhóm C Hội đồng IMO", Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt nói.
Cục Hàng hải cũng đề nghị IMO nghiên cứu, có các chính sách hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 trong lĩnh vực giao thông hàng hải, phù hợp với Chiến lược của IMO; hỗ trợ Cục Hàng hải Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành hàng hải, tiếp tục xem xét cấp học bổng cho các cán bộ ngành hàng hải Việt Nam để tham gia các khóa đào tạo nâng cao tại Trường Đại học Hàng hải thế giới (WMU) và Học viện Luật hàng hải quốc tế (IMLI).
Phan Trang