Đó là anh Hứa Viết Ngân, sinh năm 1992, hội viên nông dân thôn Khun Pàu, xã Điềm He, huyện Văn Quan. Với sự cần cù, năng động, anh đã xây dựng thành công mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm.
Anh Ngân sinh ra trong gia đình nông dân nghèo. Trước đây, thu nhập của gia đình anh chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Anh Ngân chăm sóc vườn hồng Vành khuyên
Anh Ngân cho biết: Do hoàn cảnh gia đình, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Năm 2012, tôi vào tỉnh Bình Phước làm công nhân chăm sóc vườn điều. Tại đây, tôi nhận thấy người dân phát triển thành công nhiều mô hình trồng cây ăn quả nên đã ấp ủ xây dựng một mô hình kinh tế khi trở về quê. Năm 2014, tôi trở về quê và bắt đầu tìm hiểu về những loại cây ăn quả có thế mạnh ở địa phương. Trong một lần đến chơi nhà bạn ở xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, nhận thấy cây hồng Vành khuyên cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã mạnh dạn mua hơn 100 cây về trồng.
Tháng 3/2015, anh Ngân nhập ngũ, đóng quân tại Trung Đoàn 2, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 2017, anh xuất ngũ trở về quê hương tập trung phát triển kinh tế. Thấy cây hồng Vành khuyên phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng, anh đã dùng số tiền tích góp được và vay mượn từ anh em, bạn bè tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 500 cây hồng. Ban đầu, do anh chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh nên cây còi cọc, kém phát triển.
Nhớ lại khoảng thời gian ấy, anh Ngân chia sẻ: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi không nản chí. Tôi đã chủ động tìm tòi trên sách, báo và tích cực tham gia các lớp tập huấn do cơ quan chuyên môn tổ chức. Sau đó, tôi áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng vườn hồng.
Đến nay, gia đình anh đang có trên 1.000 cây hồng Vành khuyên, trong đó có 800 cây đã cho thu hoạch quả. Trung bình mỗi năm, anh thu hoạch trên 10 tấn quả. Riêng năm 2022, gia đình anh Ngân thu hoạch trên 12 tấn quả, được thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 13.000 đến 25.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh thu về trên 170 triệu đồng.
Theo anh Ngân, đối với cây hồng Vành khuyên quan trọng nhất là phải chăm bón, tỉa cành đúng thời điểm, đúng quy trình. Các loại bệnh chủ yếu trên cây hồng là thán thư, rệp, rụng quả…. Khi cây bị bệnh, tuyệt đối không sử dụng chất hóa học để diệt trừ sâu bệnh hại mà sử dụng các biện pháp sinh học để đảm bảo an toàn.
Thời điểm này, vườn hồng đang giai đoạn nuôi quả. Với tỷ lệ đậu quả như hiện nay, dự kiến vụ hồng năm nay, gia đình anh sẽ thu được trên 20 tấn quả. Ngoài hồng Vành khuyên, anh Ngân còn mở rộng diện tích trồng 400 cây mận cơm, 2 ha hồi, hiện đều đã cho thu hoạch. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 200 triệu đồng.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Ngân còn tích cực vận động các hộ dân tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Đồng thời, anh còn nhiệt tình tham gia các phong trào do địa phương phát động. Năm 2021, gia đình anh đã hiến trên 150 m2 đất và 10 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, bà con đi lại được thuận lợi hơn.
Ông Chu Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điềm He cho biết: Những năm qua, anh Ngân luôn là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển mô hình trồng cây ăn quả, anh Ngân còn tích cực tham gia các hoạt động do hội nông dân phát động. Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả để mọi người cùng làm nên được bà con tin tưởng, yêu quý.
Với những nỗ lực đó, tháng 2/2023, anh Ngân vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước năm.
Theo baolangson.vn