Bắc Sơn là huyện có diện tích trồng lạc lớn nhất tỉnh. Thời gian qua, ngành chức năng của huyện đã tích cực phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lạc đỏ của huyện. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Những năm gần đây, người dân huyện Bắc Sơn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, cây lạc đỏ được nhiều người dân lựa chọn phát triển.
Người dân xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn thu hoạch lạc
Tuy nhiên, sản phẩm lạc sau thu hoạch thường được người dân phơi khô bán dạng nguyên liệu thô (lạc nhân hoặc củ) cho các thương lái nên giá cả bấp bênh. Để nâng cao giá trị sản phẩm, từ năm 2022, UBND huyện Bắc Sơn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lạc đỏ. Đến nay, trên địa bàn huyện có Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tuấn Hưng liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hương, Bắc Sơn thu mua lạc, chế biến thành sản phẩm dầu lạc cung cấp ra thị trường. Theo đó, trung bình mỗi năm HTX Nông nghiệp Tuấn Hưng thu mua của bà con được trên 10 tấn lạc củ tươi, hơn 15 tấn lạc nhân; chế biến và cung cấp ra thị trường từ 5.000 đến 6.000 lít dầu/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm dầu lạc chủ yếu tại các huyện trong tỉnh và một số tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Giang… Năm 2021, sản phẩm dầu lạc được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; năm 2022, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Anh Dương Hữu Trình, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hương, Bắc Sơn cho biết: HTX hiện có 26 thành viên. Trung bình mỗi năm, HTX trồng được trên 20 ha lạc; sản lượng ước đạt khoảng 30 tấn/năm. Nếu trước đây, lạc sau khi thu hoạch được bán dạng nguyên liệu thô cho thương lái thì hiện nay sản phẩm lạc được HTX Nông nghiệp Tuấn Hưng thu mua với giá ổn định từ 14 đến 20 nghìn đồng/kg lạc tươi, từ 25 đến 32 nghìn đồng/kg lạc khô (tùy thời điểm). Nhờ đó, các thành viên HTX có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/vụ lạc.
Được biết, mỗi năm, toàn huyện Bắc Sơn trồng được khoảng 1.000 ha lạc; năng suất đạt 15 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.500 tấn. Giống lạc được người dân trồng chủ yếu là lạc đỏ, trồng tập trung tại các xã: Nhất Tiến, Tân Hương, Nhất Hòa…
Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bắc Sơn cho biết: Lạc là một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Lạc trồng trên địa bàn huyện có hương vị bùi và thơm hơn những sản phẩm có trên thị trường. Hiện nay, ngoài HTX Nông nghiệp Tuấn Hưng bao tiêu đầu ra thì sản phẩm lạc của bà con còn được thương lái từ các tỉnh đến thu mua nhưng giá cả vẫn còn bấp bênh, có thời điểm người trồng lạc bị ép giá. Điều này ảnh hưởng lớn đến đầu ra sản phẩm và thu nhập của bà con.
Trước thực tế trên, để nâng cao giá trị sản phẩm lạc đỏ huyện Bắc Sơn, từ tháng 8/2022, Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm tỉnh đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện thực hiện Dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lạc đỏ huyện Bắc Sơn.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm tỉnh cho biết: Từ khi triển khai dự án đến nay, đơn vị đã tích cực phối hợp điều tra, khảo sát vùng trồng và đánh giá chất lượng sản phẩm; tổ chức hội thảo góp ý nhằm thống nhất lựa chọn mẫu logo, tem, nhãn mác cho sản phẩm lạc đỏ huyện Bắc Sơn… Hiện đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ khoa học và Công nghệ. Từ đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm lạc đỏ huyện Bắc Sơn.
Với việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hy vọng trong thời gian tới, sản phẩm lạc đỏ của huyện sẽ ngày càng được nhiều người biết đến. Qua đó, mở ra cơ hội phát triển, tăng thu nhập cho bà con trồng lạc trên địa bàn.
Liễu Chang/baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/584302-nang-gia-tri-san-pham-lac-do-huyen-bac-son.html