Bộ Công Thương cho biết sản lượng điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc tương đối nhỏ. Với Trung Quốc, Việt Nam đã mua điện từ năm 2005, còn nhập khẩu từ Lào theo chương trình của Chính phủ.
Chiều 26/5, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về tình hình cung cấp điện và một số vấn đề liên quan. Tại buổi họp báo, vấn đề hiệu quả trong việc Việt Nam phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc cũng được nêu ra.
Điện nhập ít, là mối quan hệ láng giềng
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay Việt Nam có các đường dây liên kết với các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc, Campuchia. Thực tế, sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, với Lào là khoảng 7 triệu kWh, Trung Quốc là khoảng 4 triệu kWh, trong khi sản lượng điện của miền Bắc lên tới 450 triệu kWh.
"Những nguồn này không hẳn thiếu mới nhập mà chúng ta đã mua điện từ Trung Quốc từ năm 2005 qua Lào Cai và Hà Giang, còn nhập khẩu với Lào theo chương trình của Chính phủ", Thứ trưởng nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết ở Lào cơ bản là thủy điện, không chỉ nhập khẩu cho miền Bắc mà có cả ở Đà Nẵng, Pleiku. Việt Nam cũng đang xuất khẩu điện sang Lào và Campuchia. Theo ông An, đây là mối quan hệ láng giềng, cũng là kết nối lưới điện liên vùng.
"Đối với nguồn năng lượng điện tái tạo, hiện nay chiếm hàng trăm triệu kWh/ngày, chiếm 1/9 sản lượng điện cả nước. Nguồn điện này đóng góp rất lớn song thực chất sản lượng của điện gió tương đối thấp bởi còn phụ thuộc hướng gió, tốc độ gió. Sản lượng gió chỉ đạt 5,6% công suất dự kiến, tổng sản lượng nguồn năng lượng tái tạo khoảng 100 triệu kWh/ngày", Thứ trưởng thông tin.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì cuộc họp về điện chiều 26/5 (Ảnh: Văn Hưng).
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh sắp tới vẫn phải có các nguồn linh hoạt để đáp ứng tỷ trọng điện trong nước.
Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi Việt Nam là cường quốc điện gió, sao phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
"Tại sao phải đi nhập khẩu điện, trong khi tôi đọc báo thấy 4.600 MW điện gió, điện mặt trời không được hòa mạng, không được bán lên lưới. Vì sao thế, cũng là tài sản quốc gia sao lại lãng phí như thế?", đại biểu Đinh Ngọc Minh (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội), nói.
Lý giải về vấn đề lãng phí điện mặt trời, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ông đã trao đổi với Bộ trưởng Công Thương về những vướng mắc để cùng giải quyết. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công Thương, vấn đề không phải vướng về giá mà vướng về công suất.
"Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và cho biết Bộ trưởng Công Thương trả lời do đã ký hiệp định với nước ngoài, bây giờ không thể đàm phán để cắt được.
Chưa biết tháng 6 có cắt điện không
Cũng tại buổi trao đổi, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam đang ở giai đoạn cuối mùa khô, nhu cầu sử dụng điện ngày nắng nóng tăng cao. Vào thời điểm này trong năm, lượng nước xuống thấp làm công suất sản xuất điện của các nhà máy giảm đi.
Năm nay, nguồn nước về thấp, dòng chảy so với trung bình nhiều năm chỉ đạt 20%, cá biệt có nhiều hồ còn thấp hơn. Trong khi đó, nền nhiệt luôn ở mức tương đối cao.
Qua theo dõi của Bộ Công Thương, phụ tải 4 tháng đầu năm tăng tương đối nhẹ. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 25/5, sản lượng trung bình ngày lên đến 818 triệu kWh, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong ngày 19/5 lập kỷ lục lên 923 kWh.
Cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng bên cạnh các yếu tố từ thời tiết, việc chuẩn bị nguồn điện cho hè năm nay gặp khó. Một số nhà máy có công suất lớn sửa chữa kéo dài như Vũng Áng 1, một tổ máy của nhà máy Phả Lại, Cẩm Phả…
Trước tình hình trên, Thủ tướng đã họp với Bộ Công Thương và chỉ đạo bằng mọi cách đảm bảo cung ứng điện. Những giải pháp chủ chốt được đưa ra gồm: đảm bảo vận hành các nhà máy điện, khắc phục sự cố của các tổ máy; các đơn vị phải lo đủ nhiên liệu cho phát điện, đầu tiên là cung cấp than, dầu; huy động nguồn nhiên liệu khí; điều tiết hồ chứa thủy điện một cách hợp lý; triệt để tiết kiệm điện; sớm thỏa thuận giá để đưa điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hòa vào lưới điện.
Bộ Công Thương dự báo trong thời gian tới, phụ tải sẽ tăng lên 830 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, miền Nam bước vào mùa mưa nên nhu cầu sử dụng điện sẽ sớm bình ổn trở lại. Nỗi lo về cung ứng điện chỉ tồn tại ở miền Bắc. Thứ trưởng An cho biết chưa có kế hoạch cắt điện trong tháng 6 để đảm bảo cung ứng điện ở khu vực này.
Văn Hưng/dantri.com.vn