Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được đặt vào thế khó, vì nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2022, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết được xây dựng từ vốn đầu tư công, hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần tăng cường kết nối giao thông trong vùng. (Ảnh: CHÍ HÙNG)
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn hơn 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 140 nghìn tỷ đồng so kế hoạch năm 2022. Đáng lưu ý, đây cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đồng thời cũng là năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn đang rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội.
Chậm phân bổ vốn
Cụ thể, tổng vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội quyết định là hơn 2,87 triệu tỷ đồng nhưng đến nay vẫn còn 279 nghìn tỷ đồng chưa được phân bổ. Đối với nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, Quốc hội cho phép tăng chi tối đa 176 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 để hỗ trợ đầu tư công trong các ngành, dự án thuộc nhiều lĩnh vực nhưng đến nay vẫn còn hơn 14 nghìn tỷ đồng chưa phân giao. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, việc chậm trễ phân bổ vốn đầu tư công là hạn chế lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Nguyên nhân chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và phân bổ vốn kế hoạch được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, phần lớn là do yếu tố chủ quan. Cụ thể là công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kỳ khiến nhiều dự án sau khi được phê duyệt vốn đầu tư công trung hạn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư hoặc phải điều chỉnh. Quá trình xây dựng, phê duyệt dự án phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Đặc biệt, năng lực triển khai ở một số nơi còn yếu, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. “Luật Đầu tư công đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Việc báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại và Chương trình chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ có trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 4 vẫn còn hơn 65 nghìn tỷ đồng chưa được bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết, chiếm 9,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cần khơi thông những điểm nghẽn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, phần lớn dự án thuộc Chương trình là khởi công mới, khó có thể giải ngân hết số vốn được giao trong năm nay. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn lại đang có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng.
Vì vậy tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội giao Chính phủ phân bổ kế hoạch vốn còn lại của Chương trình cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư; đồng thời cho phép các bộ, ngành, địa phương được quyết định điều hòa nguồn vốn thuộc Chương trình để bố trí cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn, các dự án trọng điểm, liên kết vùng có khả năng hấp thụ vốn trong năm 2023.
Việc điều chuyển vốn bảo đảm không vượt quá tổng mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch năm. Trong trường hợp cần thiết, giao Chính phủ chủ động điều hòa vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giữa các bộ, ngành và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội quyết nghị, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh này tại kỳ họp thứ 7.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các nhiệm vụ, dự án được nêu có tính chất quan trọng, nếu được triển khai, đưa vào khai thác kịp thời sẽ góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo không gian, động lực phát triển mới cho các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương; nâng cao chất lượng an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là về kết cấu hạ tầng.
Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn phụ thuộc vào nỗ lực khơi thông những điểm nghẽn đã hình thành từ nhiều năm qua, như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu… Theo các chuyên gia kinh tế, quy mô vốn đầu tư công lớn cũng gây sức ép đối với nhiệm vụ giải ngân và bảo đảm hiệu quả quản lý, sử dụng vốn.
Để đạt được mục tiêu thúc đẩy giải ngân 95% kế hoạch đầu tư công năm 2023, ưu tiên hàng đầu là cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư công, sửa ngay những bất cập đã phát hiện. Ông Nguyễn Minh Cường, nguyên chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phân tích: Kế hoạch đầu tư công của Việt Nam trong trung hạn quá cao so với sức hấp thụ của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng có tiền mà không tiêu được diễn ra trong nhiều năm qua. Nếu muốn tăng khả năng hấp thụ vốn, Chính phủ cần thực hiện cải cách thể chế, bao gồm các giải pháp trước mắt và lâu dài.
Tình trạng cùng một thể chế pháp luật nhưng kết quả giải ngân vốn giữa các bộ, ngành, địa phương rất khác nhau cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về thay đổi nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tiễn cho thấy, nơi nào các cấp lãnh đạo quan tâm tốt hơn đến đầu tư công, nơi đó có kết quả giải ngân vốn tốt hơn.
Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định. Về phía các bộ, ngành, địa phương cũng cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, nhất là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.
Theo baolangson.vn
https://nhandan.vn/lo-cham-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post755055.html