Tính đến nay, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng trong đó chỉ có khoảng 2% là các doanh nghiệp lớn, còn lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT
Những năm qua, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Mặc dù những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới khá nhiều, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ không thể trụ vững trong cạnh tranh hoặc hoạt động kém hiệu quả dẫn tới hàng chục nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường mỗi năm.
Hoạt động của khu vực này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực của xã hội để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; trình độ quản lý, kinh nghiệm điều hành, tuyển dụng lực lượng lao động tay nghề cao còn nhiều hạn chế; khó tiếp cận đất đai, vốn tín dụng từ các ngân hàng và trong ứng dụng khoa học công nghệ,…
Nguyên nhân bởi sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ yếu là trải qua một giai đoạn tích lũy ngắn, dựa vào vốn tự có và ít được hỗ trợ, gặp phải một số khó khăn về quản trị, mô hình và phần lớn phát triển từ quy mô doanh nghiệp gia đình.
Đồng thời, mối liên kết với doanh nghiệp lớn khá đơn giản, chưa triển khai hiệu quả thông qua thỏa thuận, hợp tác sử dụng thương hiệu, dịch vụ, kết quả nghiên cứu đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ chung theo nguyên tắc thị trường.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện có quy mô, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ cho nên rất khó tăng năng suất lao động, khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất hầu như không có. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Chính vì vậy, trong những năm tới, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng kinh doanh, liên kết, liên doanh, đa dạng hóa ngành nghề, vươn ra thị trường quốc tế, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường trong nước và ngoài nước.
Các bên liên quan cần ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định lâu dài đối với hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách của Chính phủ trong việc cải cách các mức thuế quan, cắt giảm các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, các “chi phí không chính thức”.
Các bộ, ngành cần giảm bớt “gánh nặng” thanh tra, kiểm tra không cần thiết với doanh nghiệp nhỏ và vừa, quyết liệt trong công tác xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các nguồn lực đất đai, tài chính, lao động, khoa học-công nghệ,…
Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể tham gia “dẫn dắt đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Đồng thời, bản thân mỗi doanh nghiệp cần sử dụng có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội và nguồn lực của chính mình để phát triển bền vững, thích ứng với yêu cầu trong bối cảnh mới.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-post755684.html