Với tổng số 97,8 tỷ đồng dư nợ cho vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đến nay, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Bắc Sơn là đơn vị có dư nợ cho vay ủy thác qua hội CCB cao nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh. Thông qua đó, nhiều hội viên đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Trước đây, gia đình CCB Dương Công Kỳ, thôn An Ninh, xã Long Đống thuộc diện hộ nghèo. Được Hội CCB xã hướng dẫn, năm 2020, gia đình ông đã vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi lợn nái. Ông Kỳ cho biết: Trong quá trình chăn nuôi, gia đình tôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên đàn lợn nái sinh sản, phát triển tốt, gia đình tự cung ứng con giống nên tránh được dịch bệnh. Hiện gia đình tôi có 14 con lợn nái, trung bình mỗi năm xuất bán từ 50 đến 60 con lợn thịt/lứa (mỗi năm bán được 2 lứa). Ngoài ra, nhờ chăn nuôi hiệu quả, gia đình tôi có vốn để trồng 600 cây đào cảnh phục vụ thị trường tết. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi có tổng thu nhập trên 200 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng đào.
Hội viên CCB xã Bắc Quỳnh sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển vườn ươm cây giống
Cũng như gia đình ông Kỳ, hằng năm, từ nguồn vốn vay ưu đãi, Hội CCB xã Long Đống giúp đỡ được 3 hội viên CCB vươn lên thoát nghèo. Ông Hoàng Công Chương, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Hội CCB xã hiện có 294 hội viên, đến nay, dư nợ ủy thác qua hội đạt trên 7 tỷ đồng với 75 hộ vay vốn. Trong quá trình sử dụng nguồn vốn, hội thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nếu có khó khăn sẽ hướng dẫn kịp thời cho hội viên. Nhờ đó, nhiều năm qua, các hộ sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ quá hạn. Đến nay, hội có 185 hộ hội viên khá, giàu.
Không chỉ xã Long Đống, thời gian qua, hội CCB ở các xã khác trên địa bàn huyện đều phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Hiện nay, Hội CCB huyện có 18 hội cơ sở, 139 chi hội với 3.972 hội viên. Để giúp hội viên có vốn đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, Hội CCB huyện đã chỉ đạo 18/18 hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên về các chương trình cho vay ưu đãi, đồng thời, hướng dẫn sử dụng vốn sao cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và hoàn cảnh từng gia đình.
Ông Phạm Văn Thuân, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Để quản lý vốn hiệu quả, hội lập danh sách, khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác của từng xã, thôn theo quy định. Từ đó, có phương án tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để xây dựng các mô hình kinh tế. Ngoài ra, hằng năm, hội xây dựng kế hoạch kiểm tra 100% cơ sở hội; chỉ đạo hội cơ sở chú trọng kiểm tra sau khi cho vay. Qua đánh giá, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả để trồng rừng, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh đem lại thu nhập cao, bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như: mô hình nuôi cầy hương của hội viên CCB Mai Thanh Xuân, xã Vũ Lễ; mô hình nuôi hươu lấy nhung của CCB Nguyễn Văn Hoan, xã Chiến Thắng; mô hình sản xuất bánh phở kết hợp chăn nuôi lợn của CCB Phạm Bá Ánh, thị trấn Bắc Sơn…
Đến nay, Hội CCB huyện nhận ủy thác từ NHCSXH với dư nợ 97,8 tỷ đồng, tăng 3,4 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022 với 51 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 1.751 lượt hộ vay. Doanh số cho vay từ đầu năm 2023 đến nay là 14,7 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn, nhiều hội viên CCB trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, các cấp hội CCB huyện còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Trung bình mỗi năm, các cấp hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức lồng ghép được khoảng 30 lớp tập huấn cho trên 900 lượt hội viên tham gia. Bên cạnh đó, hằng năm, Hội CCB huyện tổ chức các chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm cho hội viên tại các mô hình kinh tế tiêu biểu trong và ngoài huyện. Qua đó, giúp hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn, đến nay, hội duy trì 104 mô hình sản xuất kinh doanh do hội viên CCB làm chủ có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm ổn định cho hơn 150 hội viên và lao động tại địa phương. Từ đó, đời sống của hội viên CCB trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Từ năm 2022 đến nay, các cấp hội CCB huyện đã giúp đỡ 43 hộ CCB thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ CCB nghèo toàn huyện chỉ còn 4%, giảm 3,5% so với năm 2020; số hộ hội viên CCB khá, giàu chiếm 11,22%.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/586497-cuu-chien-binh-bac-son-vuon-len-tu-nguon-von-vay-uu-dai.html