Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt

Thứ 2, 05.06.2023 | 14:57:41
775 lượt xem

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung quy định, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong phiên họp sáng 5/6. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo

Thống đốc cho biết, việc xây dựng Luật nhằm tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực sau ngày 31/12/2023; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo...

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để bảo đảm có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Cụ thể, Điều 144 dự thảo Luật quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước…

Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt ảnh 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Tùy theo thực trạng, tính chất, mức độ rủi ro của tình trạng cần can thiệp sớm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước áp dụng một hoặc một số các biện pháp can thiệp sớm như: hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản; hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, hạn chế các giao dịch lớn, có rủi ro cao; đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; hạn chế thẩm quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành…

Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua; bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm; quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/ngan-hang-nha-nuoc-se-can-thiep-som-khi-to-chuc-tin-dung-bi-rut-tien-hang-loat-post756152.html

  • Từ khóa