Chiến Thắng: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng hiệu quả sản xuất

Thứ 6, 09.06.2023 | 14:36:12
974 lượt xem

Thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Qua đó, từng bước cải thiện, nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.

Là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mang lại hiệu quả ở xã, anh Nguyễn Văn Phú, thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng cho biết: Trước đây, đa phần diện tích đất canh tác của gia đình tôi đều trồng lúa, ngô. Tuy nhiên, do không chủ động được nguồn nước tưới, năm 2010, tôi đã chuyển sang trồng thử nghiệm hơn 600 gốc nhãn. Sau gần 9 năm chăm sóc, tôi nhận thấy cây nhãn không phù hợp với khí hậu của địa phương, năng suất không ổn định, hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy, năm 2019, khi được xã tuyên truyền, tôi tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng nhãn sang trồng đào cảnh và nhất chi mai. Đến nay, gia đình tôi đã có khoảng 3.000 cây đào cảnh, 4.000 cây nhất chi mai. Trung bình mỗi dịp tết, gia đình tôi xuất bán được hơn 1.000 cây đào cảnh, 1.000 cây nhất chi mai, mang lại thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, cao gấp 3 lần so với trồng nhãn.

Người dân tại thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng chăm sóc cây đào cảnh

Tương tự như gia đình anh Phú, gia đình chị Lương Thị Tuyền, thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chị Tuyền cho biết: Gia đình tôi có khoảng 2 mẫu ruộng, trước đây chủ yếu chỉ trồng lúa, ngô hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, tôi đã quyết định chuyển đổi diện tích này sang trồng cây cam đường Canh với hơn 1.700 gốc. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cây cam phát triển tốt, cho năng suất cao. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được gần 8 tấn quả, với giá trung bình từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg, tôi thu về từ 200 đến 300 triệu đồng/năm, cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa, ngô.

Không chỉ 2 trường hợp kể trên, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chủ động chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị cao hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2015, cấp ủy, chính quyền xã đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đến năm 2017, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã trở thành phong trào phát triển mạnh trên địa bàn xã.

Ông Dương Công Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Chiến Thắng là xã có địa hình khá phức tạp với núi đá, núi đất và các thung lũng đan xen. Do hạn chế về nguồn nước tưới nên một số diện tích trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã nghiên cứu và căn cứ vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để xác định các loại cây trồng chủ lực;  xác định phát triển trồng đào, nhất chi mai và các loại cây ăn quả như quýt, cam đường canh là hướng đi phù hợp. Từ đó, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng này.

Theo đó, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện tổ chức các lớp tập huấn và các lớp đào tạo nghề cho người dân. Từ năm 2015 đến nay, xã đã phối hợp tổ chức được 32 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình chăm sóc cây trồng với hơn 1.200 lượt người tham gia; tổ chức 2 lớp dạy nghề ngắn hạn về trồng và chăm sóc cây ăn quả cho gần 80 học viên.

Bên cạnh đó, chính quyền xã đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để hỗ trợ người dân. Tính từ năm 2018 đến năm 2020, trên địa bàn xã đã có 387 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ trên 35.720 kg phân bón với kinh phí 458 triệu đồng.

Ngoài ra, chính quyền xã cũng quan tâm, chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất. Hiện nay, toàn xã có tổng dư nợ đạt trên 15 tỷ đồng với 344 hộ vay.

Nhờ sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã cùng sự chủ động của người dân, hiện toàn xã đã chuyển đổi được trên 100 ha ruộng hạn sang trồng cây đào cảnh, nâng tổng diện tích cây đào cảnh lên 126 ha (tăng trên 110 ha so với năm 2019), đem lại giá trị kinh tế gần 20 tỷ đồng/năm… Bên cạnh trồng cây đào cảnh, người dân còn tận dụng các diện tích đất vườn tạp để trồng cây nhất chi mai với trên 10 ha và tập trung phát triển các loại cây ăn quả như: quýt, cam đường canh… với tổng diện tích 144,7 ha, trong đó có trên 87 ha đang cho thu hoạch.

Với hiệu quả đem lại từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Theo kết quả rà soát, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 3,44%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 52,44 triệu đồng/người/năm (tăng 5,44 triệu đồng so với năm 2021). Qua đó, góp phần quan trọng giúp xã Chiến Thắng trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/588160-chien-thang-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-nang-hieu-qua-san-xuat.html

  • Từ khóa