Một số doanh nghiệp cho biết rơi vào thế bị động vì không biết điện sẽ bị cắt thêm bao nhiêu ngày hoặc kéo dài bao lâu.
Đơn hàng thiếu nhưng không thể đáp ứng
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (mã chứng khoán: APH) bày tỏ băn khoăn vì khoảng một tuần trở lại đây, điện đang bị cắt từ 6h tới 23h trong khu công nghiệp mà công ty đặt nhà máy. An Phát Holdings hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa, bao bì công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát (phường Việt Hòa, TP Hải Dương).
Theo ông Tuấn, trung bình mỗi ngày, Công ty An Phát Xanh (thành viên của An Phát Holdings) có thể sản xuất khoảng 300 tấn sản phẩm nhưng hiện nay, tình hình điện không được cung cấp ổn định nên không thể hoạt động. Công ty đang đưa ra giải pháp sẽ cho công nhân làm bù vào ngày nghỉ (chủ nhật) trong trường hợp không cắt điện.
Ông Tuấn tính toán việc làm bù cộng với việc điện không bị cắt, giữ ổn định thì công ty mới đủ đơn hàng. Còn nếu điện tiếp tục bị cắt thì "không biết bù kiểu gì". Quan trọng hơn, phía điện lực không cam kết sẽ không cắt nữa nên công ty cũng không biết sẽ bị cắt điện thêm bao nhiêu ngày, vì vậy rơi vào thế bị động.
Khách hàng của công ty có các doanh nghiệp nước ngoài. Việc đảm bảo nguồn hàng đúng cam kết, giữ uy tín chất lượng là yêu cầu hàng đầu. Vì vậy với tình hình thiếu điện sản xuất như hiện nay, ông Tuấn cho biết nếu không đủ hàng xuất khẩu theo cam kết sẽ phải đàm phán bù số lượng sang tháng sau hoặc các tháng sau đó. Tuy nhiên, điều này chắc chắn ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp và môi trường đầu tư.
Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát xảy ra tình trạng mất điện ảnh hưởng sản xuất (Ảnh: APH).
Với tình hình thiếu điện trên diện rộng, thời gian qua một số tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... đều diễn ra việc mất điện, cắt điện ở khu công nghiệp. Tuy nhiên nhiều địa phương cũng đã họp và đưa ra giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ ngày 6/6, Bắc Giang ưu tiên cấp điện cho doanh nghiệp vào ban ngày để duy trì sản xuất, ban đêm ưu tiên điện cho dân sinh, sinh hoạt. Các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất từ 7h45 đến 17h, trong khoảng thời gian này sẽ được cấp điện liên tục. Các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp có đơn hàng gấp thì đăng ký với ban quản lý khu công nghiệp, ngành điện để được cấp điện nhưng chỉ sản xuất từ 0h đến 5h.
Bắc Ninh cũng vừa tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để tháo gỡ khó khăn. Vấn đề "nóng" trong hội nghị được doanh nghiệp đề cập là việc cắt điện đột ngột trong khu công nghiệp làm ảnh hưởng sản xuất. Doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng có kế hoạch cắt điện cụ thể hoặc ưu tiên không cắt điện trong khu công nghiệp. Nếu có sự cố bất khả kháng thì thông báo để doanh nghiệp chủ động sản xuất. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương Bắc Ninh hạn chế tối đa cắt điện của doanh nghiệp sản xuất, nếu có phải công khai lộ trình rõ ràng.
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW, đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày. Trong khi đó, miền Nam, miền Trung được đảm bảo do có nhiều nguồn điện. Hơn nữa, khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa, phụ tải sẽ giảm và nguồn nước về các hồ thủy điện sẽ được cải thiện.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, đến ngày 10/6 công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000 MW từ 3 nhà máy nhiệt điện. Điều này có thể giảm bớt tình trạng cắt điện và giúp việc cung ứng điện cho các tỉnh miền Bắc được cải thiện.
Điện dừng đột ngột gây thiệt hại kinh tế
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất sợi (đề nghị giấu tên) có thống kê sơ bộ từ ngày 18/5 đến ngày 27/5, nhà máy tại Khu công nghiệp Trảng Bàng (Tây Ninh) bị cắt điện đột ngột 4 lần với nhiều lý do khác nhau. Lần thứ nhất, nhà máy bị cắt điện gần 5 giờ, điện lực thông báo do tủ trung áp bị phóng điện, phải cắt khẩn cấp. Lần thứ 2 do có rắn bò lên trạm điện, lần khác do sét đánh...
Việc cắt điện đột ngột, không báo trước khiến doanh nghiệp bị động, ảnh hưởng sản xuất. Khi bị cắt điện, máy móc bị dừng đột ngột, khiến sợi bị hư hỏng, không sử dụng được. Công ty đã tổng hợp thiệt hại trong các lần cắt điện đột ngột trên, ước tính giá trị vài trăm triệu đồng và có công văn yêu cầu điện lực bồi thường.
Cũng theo vị đại diện này, việc cắt điện chưa gây ảnh hưởng quá mức. Tuy nhiên, nếu được thông báo trước, công ty sẽ có thể sắp xếp công nhân làm các công việc phù hợp như bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh máy, thay đổi mã sản phẩm. "Điều quan trọng là đều mất điện đột ngột và chúng tôi không biết khi nào sẽ được cấp điện lại để chủ động sản xuất", người đại diện nói.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods chuyên sản xuất các loại gia vị, có nhà máy đặt cạnh khu công nghiệp Lê Minh Xuân, TPHCM cho biết cũng gặp tình trạng mất điện đột ngột. Công ty đang sản xuất hơn một trăm thùng hàng, vì mất điện đột ngột mà sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về màu sắc, phải hủy bỏ. Công ty đã phải làm bù lượng hàng khác. "Đây là lần đầu tiên, nhà máy bị cắt điện đột xuất, mọi lần đều báo trước. Chắc là đột xuất thôi, công ty vẫn đủ thời gian để làm bù các lô hàng khác", ông Dũng nói.
Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023. Từ ngày 10/6, đoàn thanh tra chuyên ngành về điện được yêu cầu bắt tay ngay vào việc thanh tra làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện về mặt kỹ thuật, tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Đoàn thanh tra gồm lãnh đạo một số Cục, Vụ của Bộ Công Thương, được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày, kể cả ngày nghỉ. |
Theo dantri.com.vn