Nâng cao giá trị sản phẩm địa phương

Thứ 4, 14.06.2023 | 08:56:52
803 lượt xem

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn.

Trong những năm qua, cùng với sự chủ động của người dân, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng các sản phẩm OCOP.


Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Bình Gia

Xây dựng sản phẩm OCOP

Trên địa bàn tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm OCOP như: sản phẩm cây trồng, vật nuôi đa dạng; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; những món ăn truyền thống thu hút khách du lịch trong và ngoài nước… Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1533/QĐ-UBND ngày 13/8/2019 về việc phê duyệt Đề án “Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030 tiêu chuẩn hóa từ 135 – 140 sản phẩm; xây dựng 6 làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng; củng cố, kiện toàn 70 tổ chức kinh tế, phát triển mới 80 tổ chức kinh tế để tham gia tích cực Chương trình OCOP; xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh hỗ trợ tích cực công tác quản lý Nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP…

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, ngày 25/10/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về việc thực hiện Đề án Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020; Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 5/6/2021 thực hiện Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025.

Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai hằng năm, kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, trong đó tập trung chỉ đạo, lựa chọn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương như: Na Chi Lăng, hồng Vành khuyên, huyện Văn Lãng; hồng Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, cao khô Chợ Bãi, huyện Văn Quan; vịt quay Hồng Xiêm, thành phố Lạng Sơn; bánh chưng đen Bắc Sơn; thạch đen Tràng Định…

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có những nội dung hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP như: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ hạ tầng, giống, vật tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại…

Để thực hiện chương trình, các cấp, ngành đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về sự cần thiết, các nguyên tắc triển khai thực hiện, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành đã tổ chức, lồng ghép tổ chức được trên 680 hội nghị tuyên truyền cho khoảng 32.000 lượt người; cấp phát trên 32.000 bộ tài liệu; phối hợp tuyên truyền hơn 500 chuyên đề, tin, bài về xây dựng sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa và lợi ích khi tham gia chương trình OCOP được nâng cao, khơi dậy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tạo hướng đi mới cho các sản phẩm cũ có lợi thế ở khu vực nông thôn, từ đó góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm được tiêu chuẩn hóa và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Cụ thể đến nay, trên địa bàn tỉnh có 105 sản phẩm được chuẩn hóa và đăng ký tham gia Chương trình OCOP, trong đó, 94 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận (trong đó có 73 sản phẩm OCOP 3 sao, 21 sản phẩm OCOP 4 sao). Đến nay, số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là 84 sản phẩm  (10 sản phẩm giấy chứng nhận hết hiệu lực 36 tháng theo quy định).

Như vậy có thể thấy, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh.


Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP huyện Bình Gia tại hội nghị sơ kết chương trình OCOP huyện Bình Gia

Nâng tầm giá trị nông sản

Các sản phẩm trước khi tham gia chương trình OCOP, diện tích, năng suất, sản lượng thấp thì sau khi tham gia chương trình chất lượng, quy mô, sản lượng đã được nâng lên, thị trường tiêu thu được mở rộng.

Bà Hà Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Thạch đen Hồng Nhung, huyện Tràng Định cho biết: Trước đây, gia đình tôi đã sản xuất thạch đen nhiều năm để bán. Tuy nhiên, do hạn chế kinh nghiệm, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp, sản phẩm ít có sức cạnh tranh nên mỗi ngày gia đình chỉ sản xuất được từ 100 – 300 hộp. Năm 2021, từ sự tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, gia đình đã thực hiện các bước để xây dựng sản phẩm thạch đen ăn liền của gia đình mình đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đồng thời, gia đình đầu tư trang thiết bị máy móc để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, những năm gần đây, vào mùa cao điểm bình quân mỗi ngày gia đình sản xuất được từ 1.200 – 1.500 hộp thạch đen, thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2022, Hợp tác xã Thạch đen Hồng Nhung được thành lập nhằm tạo sự liên kết các thành viên để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với sản phẩm thạch đen Hồng Nhung, quy mô, giá trị của nhiều loại nông sản khác khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đã được nâng lên rõ rệt, trung bình giá trị các sản phẩm OCOP tăng lên từ 10 – 20% (có sản phẩm tăng trên 30%). Điển hình như sản phẩm măng tây Cương Tân, huyện Đình Lập từ diện tích 1 sào tăng lên 20 sào, sản lượng từ 1,2 tấn/năm tăng lên 5 – 7 tấn/năm; bún ngô Thuận Anh, huyện Đình Lập từ sản xuất 2 tạ/tháng đã tăng lên 5 tấn/tháng, thị trường tiêu thụ được mở rộng ra ngoài tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Qua kiểm tra, nắm bắt thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã mang lại lợi ích thiết thực cho chủ thể là người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập, giảm nghèo cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm “kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình OCOP, thời gian tới, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng; tiếp tục rà soát, ban hành nội dung, điều chỉnh mức hỗ trợ Chương trình OCOP theo từng hạng sao, ưu tiên hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác…

Hy vọng rằng với những kết quả đã được cộng với những giải pháp cụ thể được đưa ra trong thời gian tới, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả ấn tượng hơn nữa. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản phẩm cho chủ thể, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung trên địa bàn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/589281-nang-cao-gia-tri-san-pham-dia-phuong.html

  • Từ khóa