Sáng 14/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội đã diễn Hội thảo chuyên đề: “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức.
Quang cảnh Hội thảo.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết số 29 của Bộ Chính trị về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương; các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu trong nước và quốc tế như: VNPT, ABB, EY Consulting Vietnam JSC, Azentio Software, CMC Việt Nam, Misa,... cùng các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thông minh…
Hội thảo được nghe 6 báo cáo chính, nội dung tập trung vào: phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; chuyển đổi số trong sản xuất: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam; ứng dụng IoT trong tối ưu sản xuất; công nghệ 4.0 trong sản xuất: thúc đẩy nâng cao giá trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với giải pháp make in Vietnam; giải pháp quản lý và điều hành sản xuất thông minh (MoM) thế hệ mới: nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.
Cùng đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nâng cao năng lực sản xuất thông minh, phát triển ngành công nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của cả hệ thống chính trị và xã hội về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới. Các đại biểu cũng tập trung làm rõ nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, nổi bật là thúc đẩy ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Chuyển đổi số với tính chất là phương thức mới, mang tính đột phá nhằm rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo ban tổ chức, từ năm 2018, được sự đồng ý của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành Trung ương và cơ quan liên quan tổ chức thường niên Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0. Diễn đàn là sự kiện quốc tế có uy tín và quy mô lớn, được tổ chức định kỳ hàng năm gắn với việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng.
Tiếp nối thành công của Diễn đàn công nghiệp 4.0 đã được tổ chức trong những năm qua, với mục đích đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023 “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sự kiện bao gồm 1 phiên Diễn đàn cấp cao, 4 hội thảo chuyên đề; 1 triển lãm công nghệ 4.0 và 1 phiên Tọa đàm và khảo sát thực tế tại địa phương.
Theo nhandan.vn