Suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là biến động bất lợi của giá dầu thế giới cũng như các sản phẩm dầu khí, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Để vượt khó, doanh nghiệp đã linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm thích ứng thị trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Khai thác dầu khí tại mỏ Rạng Đông.
Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã nỗ lực, kịp thời cung ứng các mặt hàng chiến lược như dầu thô, khí, điện, xăng dầu,... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng triển khai các biện pháp kỹ thuật để duy trì sản lượng khai thác, bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng.
Ứng phó biến động thị trường
Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết, những tháng đầu năm, đơn vị phải đối diện với nhiều khó khăn trước các biến động về giá nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao,... đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do tập trung triển khai các giải pháp quản trị biến động hiệu quả, kịp thời, tối ưu chi phí, vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả các nhà máy điện, đã giúp sản lượng điện toàn tổng công ty trong ba tháng đầu năm đạt 4.003 triệu kW giờ, vượt 16% kế hoạch; tổng doanh thu đạt gần 7.914 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch và bằng 110% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến sản lượng điện quý II của đơn vị sẽ đạt 4.299,8 triệu kW giờ.
Đối với dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, trong quý II, PV Power sẽ tập trung hoàn thành thiết kế, tổ chức, chế tạo và vận chuyển thiết bị về đến nhà máy cùng với việc hoàn thành thi công hạ tầng, nền móng, tiến hành lắp đặt thiết bị nhà máy; đồng thời tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho việc nghiệm thu chạy thử thiết bị nhà máy vào cuối năm 2024,...
Tổng Giám đốc BIENDONG POC Ngô Hữu Hải cho biết thêm, trước biến động khó lường của thị trường thế giới, đặc biệt là việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu huy động khí từ thị trường trong nước luôn ở mức rất cao,... đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Nhờ chủ động triển khai các giải pháp đã giúp đơn vị hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đề ra. Tính đến hết quý I/2023, sản lượng khí đạt 118% kế hoạch, sản lượng condensate đạt 149% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 126% kế hoạch, tương ứng với 29% kế hoạch năm 2023.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục áp dụng các thành tựu của chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0,... nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tương tự, sản lượng khai thác quy dầu của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) trong ba tháng đầu năm đạt 0,89 triệu tấn, vượt 7% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 9.813 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm; nộp ngân sách 3.980 tỷ đồng, trong đó, phần PVEP là 2.790 tỷ đồng (toàn đề án là 7.384 tỷ đồng), đạt 36% kế hoạch năm, lãi nước chủ nhà là 1.190 tỷ đồng.
Dự kiến quý II, PVEP phấn đấu đạt sản lượng khai thác 0,91 triệu tấn quy dầu, trong đó dầu và condensate là 0,61 triệu tấn, sản lượng khí xuất là 301 triệu m3. Đơn vị cũng tập trung duy trì quản trị biến động, quản trị chi phí, nghiên cứu xu thế biến động thị trường để triển khai hoạt động khai thác phù hợp, đặc biệt tận dụng cơ hội gia tăng dòng tiền, lợi nhuận tại các thời điểm giá dầu cao.
Gia tăng hiệu quả kinh doanh
Năm 2023, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đặt kế hoạch doanh thu đạt 95.370 tỷ đồng; nộp ngân sách 9.812 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 1.721 tỷ đồng và sản lượng hơn 5,6 triệu tấn thành phẩm, trong đó cao nhất là dầu diesel chiếm hơn 2,36 triệu tấn, tiếp theo là xăng Ron 95 đạt 1,38 triệu tấn, xăng Ron 91/92 gần 789 nghìn tấn.
Việc BSR đặt mục tiêu giảm lãi là điều đã được dự báo trước, nhất là sau năm 2022 đạt kết quả kỷ lục. Đánh giá về cơ hội trong thời gian tới, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, trên đà tối ưu công suất vận hành, đơn vị đã có những giải pháp về công nghệ để khai thác cao nhất công suất của nhà máy, qua đó là một trong những yếu tố nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Nếu gặp khó khăn về dầu thô, BSR có giải pháp thay thế là nhiên liệu trung gian. Bên cạnh đó, BSR có thể tối ưu hóa thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy, có thể kéo dài thời hạn bảo dưỡng để tối ưu lợi nhuận.
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn Tập đoàn trong 5 tháng đầu năm đạt 4,41 triệu tấn, vượt 13,7% kế hoạch, bằng 47,5% kế hoạch năm; khai thác khí đạt 3,42 tỷ m3, vượt 21,2% kế hoạch, bằng 57,6% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu đạt 6,30 triệu tấn, vượt 26,5% kế hoạch, bằng 56% kế hoạch năm và tăng trưởng 18,1% so với cùng kỳ 2022.
Cũng theo ông Hùng, kết quả nêu trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của PVN trong việc bảo đảm sản lượng khai thác, trong khi hầu hết các mỏ chủ lực của Việt Nam đều đang trên đà suy giảm tự nhiên. Điều này cũng thể hiện sự nỗ lực, tính hiệu quả của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì sản lượng khai thác nhưng vẫn bảo đảm an toàn mỏ.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đất nước đang hiện hữu, việc hoàn thành đi vào phát điện thương mại của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, sản xuất điện của toàn PVN đã đạt được những bước nhảy vọt. 5 tháng qua, sản xuất điện toàn Tập đoàn đạt 10,03 tỷ kW giờ điện thương phẩm, vượt 1% kế hoạch, bằng 42,5% kế hoạch năm và tăng trưởng tới 46,6% so với cùng kỳ 2022.
“Với việc không ngừng mở rộng quy mô hoạt động, hoàn thiện chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng dầu khí, PVN đã trở thành tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và quốc tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, giữ vai trò xương sống, quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn như dầu thô, khí, điện và xăng dầu,... còn là đầu vào cho các ngành, lĩnh vực sản xuất khác của nền kinh tế” - ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Hoàng Quốc Vượng, thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục bảo đảm các điều kiện, giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ duy trì sản lượng khai thác; bảo đảm an toàn, ổn định, khả dụng cao của các nhà máy điện, tận dụng cơ hội thị trường khi nguồn cung ứng điện đang rất căng thẳng để gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời cung cấp điện tối đa phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan; khắc phục suy giảm doanh thu ở các đơn vị, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu toàn Tập đoàn cũng như đẩy mạnh công tác quản trị danh mục, dự án đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số,... nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thuc-day-tang-truong-dau-khi-post757906.html