Không chỉ góp phần đưa độ che phủ rừng của huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ lên hơn 60%, cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ trồng quế mà nhiều năm nay, đời sống của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông trong huyện đã thay đổi nhanh chóng. Nhiều nhà thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ quế. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây coi cây quế là “vàng xanh” trồng trên đất đồi dốc giúp họ thoát nghèo.
Vào những ngày thu hoạch quế, chỉ mới đặt chân đến đầu xã Trung Sơn, chúng tôi đã thấy mùi quế thơm ngào ngạt khắp các nẻo đường. Kinh tế khá nên con đường dẫn vào “thủ phủ” cây quế của huyện Yên Lập cũng rộng, đẹp, bằng phẳng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Chúng tôi dừng lại ở căn nhà tầng khang trang, to nhất nhì xã với đầy đủ tiện nghi của ông Đinh Văn Lúa tại xóm Nai, xã Trung Sơn.
Trò chuyện với ông Lúa, chúng tôi được biết ông là một trong những người đầu tiên trồng cây quế ở huyện Yên Lập. Năm 1992, ông Lúa nhận thấy cây quế mang lại giá trị kinh tế cao, phần lá, cành dùng để sản xuất tinh dầu quế; phần vỏ được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, y dược, ẩm thực, hoặc sơ chế để xuất khẩu; gỗ quế được sử dụng trong xây dựng, đóng đồ dùng như bàn, ghế, giường, tủ, sản xuất đồ mỹ nghệ... Vì vậy, ông đã lên vùng trồng quế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái để học cách trồng và đưa cây quế về trồng đầu tiên ở huyện.
Theo thời gian, từ một vài cây trồng thử nghiệm, đến nay, gia đình ông đã sở hữu hơn 10ha đồi phủ kín cây quế. Ông Lúa chia sẻ: "Tôi là người đã gắn bó với cây quế từ những ngày đầu. Cây quế đã mang đến ấm no, giúp con cháu trong gia đình giữ rừng đến bây giờ. Trước đây, keo là cây mang lại hiệu quả kinh tế, gắn bó lâu đời với người dân, tuy nhiên, một vài năm gần đây, thấy trồng quế mang lại giá trị cao hơn nên người dân chuyển hướng sang giống cây này”.
Người dân xã Thượng Long, huyện Yên Lập thu hoạch quế. |
Xã Trung Sơn là một trong những vùng trồng quế lớn của huyện Yên Lập và của tỉnh Phú Thọ với diện tích gần 1.000ha. Người dân có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến quế. Vì vậy, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Trung Sơn xác định quế là cây trồng chủ lực nên tiếp tục vận động bà con trồng, chăm sóc và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng quế để cho sản phẩm tốt nhất. Nhờ trồng quế, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,9%.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Đóa, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: “Trước đây, bà con trong xã chủ yếu trồng cây nguyên liệu giấy, song hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng quế. Quế phù hợp với độ dốc, có ưu điểm khai thác tỉa, lâu dài, thân thiện với môi trường. Năm 2023, do nhiều nguyên nhân nên giá của quế không được như những năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân”.
Hơn 10 năm trước, cũng như bao đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi khó khăn, gia đình bà Triệu Thị Vân, xã Thượng Long, huyện Yên Lập chỉ biết sống nhờ vào rừng, trông chờ vào cây lúa, cây ngô trồng trên đồi, du canh, du cư, phát nương, làm rẫy nên tình trạng đói nghèo, đứt bữa diễn ra triền miên... Nhưng nhờ ươm giống, trồng quế và chế biến các sản phẩm từ quế, kinh tế gia đình bà đã có nhiều thay đổi. Bà Vân thu lãi 600-700 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng chục người với mức thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng/tháng.
Bà Vân chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 12ha, trong đó, 8ha đã cho thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn ươm bán cây quế giống, trung bình một năm bán khoảng 80 vạn cây với giá dao động 1.000-1.200 đồng/cây; thu mua và chế biến các sản phẩm từ quế như cành, vỏ, lá. Cây quế cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây trồng khác nên người dân đã học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, người trồng trước hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho người trồng sau để nhân rộng diện tích trồng”.
Ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết: “Xác định quế là cây trồng chủ lực, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực vận động các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích. Hằng năm, UBND xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. UBND xã cũng đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua các sản phẩm từ quế tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân để bà con yên tâm sản xuất”.
Huyện Yên Lập hiện có khoảng 1.725ha trồng quế, tập trung chủ yếu ở các xã Trung Sơn, Thượng Long, Nga Hoàng... Huyện phấn đấu đến năm 2025 tăng lên 2.500ha. Nhờ cây quế, địa phương đã tạo việc làm cho hơn 7.500 người, mang lại giá trị kinh tế hằng năm hơn 100 tỷ đồng. Huyện Yên Lập đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền vốn và đất đai phát triển cây quế thành cây xuất khẩu trong những năm trước mắt và lâu dài. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ cho vay một phần hoặc toàn bộ không tính lãi khi người dân mua cây con, hạt giống.
Cùng với hỗ trợ về cây giống, huyện Yên Lập đã đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác sản phẩm quế, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh mở rộng diện tích trồng quế, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống. Thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích các cơ sở liên kết với các doanh nghiệp, chế biến tinh dầu quế, vỏ quế, gỗ quế cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế, tạo đầu ra ổn định để người dân yên tâm gắn bó với cây quế; từ đó bảo đảm phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
HUYỀN TRANG
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/vang-xanh-giup-nguoi-dan-o-yen-lap-thoat-ngheo-731382