Phấn đấu trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động và bền vững

Thứ 3, 20.06.2023 | 15:09:48
676 lượt xem

Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 12 đến nay, Đắk Nông đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả nổi bật, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Đồng chí Ngô Thanh Danh thăm, tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông về những thành tựu đạt được và định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Phóng viên: Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, Đắk Nông đã đề ra những khâu đột phá nào để đưa địa phương sớm trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên?

Đồng chí Ngô Thanh Danh: Kế thừa bài học qua các nhiệm kỳ, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ưu đãi, tỉnh xác định ba trụ cột của nền kinh tế gồm: Phát triển công nghiệp bô-xít-alumin-nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; khai thác và phát triển tiềm năng du lịch.

Đắk Nông xác định tập trung nguồn lực, kiên trì thực hiện ba đột phá chiến lược, bao gồm: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị; phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương.

Trên cơ sở xác định ba đột phá chiến lược, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện 25 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 12.

Phóng viên: Đồng chí cho biết những thành quả nổi bật của địa phương từ đầu nhiệm kỳ đến nay?

Đồng chí Ngô Thanh Danh: Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét; năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng mạnh, vượt xa tốc độ tăng trưởng của năm 2020, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố của cả nước, tạo tiền đề thuận lợi phát triển những năm tiếp theo. Từ năm 2022 đến nay, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định và đạt nhiều kết quả khá toàn diện.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2023 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 7,73%, GRDP bình quân đầu ng­ười năm 2023 ước đạt 60,64 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 21,2%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 là 10.635,39 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 11,19%, đến hết năm 2022 giảm xuống còn 7,97%;…

Ngành công nghiệp alumin-nhôm đã dần định hình, khẳng định vai trò dẫn dắt trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản lượng alumin quy đổi đạt hơn 3,4 triệu tấn, doanh thu hơn 29.302 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 910 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.166 tỷ đồng. Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng, công suất 450.000 tấn/năm, dự kiến sẽ có sản phẩm nhôm vào năm 2024. Tỉnh chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, giai đoạn 2020-2022 và những năm tiếp theo trên cơ sở quy hoạch Điện VIII của Chính phủ.

Nông nghiệp được cơ cấu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị. Toàn tỉnh hiện có 73.000ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao, tổng sản lượng ước đạt hơn 300.000 tấn; 1.300ha sản xuất đạt chuẩn VietGAP; 60 sản phẩm OCOP. Tỉnh đã cấp phép cho 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, với công suất 28.000 tấn hồ tiêu/năm, 11.400 tấn điều/năm, 235.000 tấn cà-phê nhân/năm, 3.805 tấn cà-phê bột/năm,… đóng góp 70% giá trị xuất khẩu của tỉnh hằng năm.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh ước đạt 39/60 xã về đích nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 16,8 tiêu chí; diện mạo và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống và thu nhập người dân từng bước được cải thiện.

Tỉnh đã đầu tư 20 cơ sở kinh doanh du lịch và nhiều mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch trải nghiệm. Khai thác Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.

Đắk Nông luôn chú trọng cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nên từ đầu nhiệm kỳ đến nay các chỉ số PCI, Par index, SIPAS, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh liên tục thăng hạng ở ngôi bậc cao.

Đắk Nông cũng là tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên được Trung ương thông qua Quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây được xem như “kim chỉ nam” cho phát triển, không chỉ khắc phục những “điểm nghẽn” mà còn tạo động lực mới để khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững…

Phóng viên: Đắk Nông sẽ có những giải pháp nào để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp vào năm 2025 và định hướng trong giai đoạn tiếp theo?

Đồng chí Ngô Thanh Danh: Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp bô-xít - nhôm và sau nhôm của quốc gia; trung tâm năng lượng tái tạo của vùng; trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, để hoàn thành mục tiêu chiến lược này, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đưa Đắk Nông phát triển xanh-nhanh-bền vững.

Trước hết, trên cơ sở quy hoạch được Trung ương phê duyệt, tỉnh sớm xây dựng quy hoạch chi tiết cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể để bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong triển khai.

Để việc triển khai quy hoạch tỉnh đạt hiệu quả cao nhất, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của địa phương, rất cần sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ mạnh mẽ của Trung ương trong kết nối kêu gọi, thu hút đầu tư…

Đồng thời Trung ương sớm xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về: Các dự án cấp thiết cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đang nằm trong vùng quy hoạch bô-xít; xem xét, áp dụng tính đặc thù của khoáng sản bô-xít để khuyến khích đầu tư các công trình, hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích dân sinh; xem xét không đưa vào quy hoạch khai thác bô-xít đối với mỏ Quảng Khê-Đắk Som, vì nơi đây có tiềm năng, lợi thế nhất của tỉnh về du lịch với Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng định hướng quy hoạch trở thành khu du lịch trọng điểm của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông được phân bổ chỉ tiêu đất lâm nghiệp đến năm 2030 là 292.981ha, chiếm hơn 45% tổng diện tích đất tự nhiên, đề nghị Trung ương xem xét điều chỉnh xuống còn 247.565ha để bảo đảm hài hòa mục tiêu giữa phát triển rừng với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đề nghị Trung ương quan tâm xem xét chuyển giao quỹ đất hoàn thổ sau khai thác bô-xít về địa phương sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện hiệu quả ba trụ cột phát triển kinh tế-xã hội và ba đột phá chiến lược trên nền tảng khoa học-công nghệ và chuyển đổi số để phát triển nhanh, bền vững. Nghiên cứu ban hành cơ chế thu hút, chọn lựa nhà đầu tư chiến lược, thật sự có năng lực vào các ngành, lĩnh vực ưu thế, tiềm năng của tỉnh, trong đó cần nhất quán quan điểm khai khoáng, năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông trong tỉnh và kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền trung và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Phối hợp với tỉnh Bình Phước và các bộ, ngành trung ương thúc đẩy sớm triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả; phải hướng đến nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh qua từng năm và cả

nhiệm kỳ; gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số.

Thứ tư, tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; cụ thể hóa cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của tỉnh. Kiên trì thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, có tư duy sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kiên quyết thay thế, thậm chí xử lý những cán bộ được giao lĩnh vực phụ trách nhưng không dám làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/phan-dau-tro-thanh-tinh-co-nen-kinh-te-nang-dong-va-ben-vung-post758445.html

  • Từ khóa