Năm 2022, xuất khẩu tôm cả nước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021, là năm có kim ngạch xuất khẩu tôm cao nhất từ trước đến nay. Năm 2023, ngành tôm vẫn giữ mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD.
Chế biến, xuất khẩu tôm Cà Mau. (Ảnh: HỮU TÙNG)
Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm chỉ ở mức hơn 1,2 tỷ USD, giảm hơn 34% so với cùng kỳ 2022.
Diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước hiện đạt hơn 700 nghìn héc-ta, trong đó tập trung chủ yếu ở ba tỉnh: Cà Mau (hơn 270 nghìn ha); Kiên Giang (gần 150 nghìn ha); Bạc Liêu (gần 150 nghìn ha). Diện tích thả nuôi tôm của Cà Mau năm nay đạt 100% kéo theo sản lượng thu hoạch, sản lượng chế biến tôm tăng, nhưng sản lượng xuất khẩu tôm lại giảm.
Trong 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau chỉ đạt hơn 383 triệu USD, giảm hơn 24% so với cùng kỳ 2022. Hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều giảm, như: Mỹ (giảm 56,61%), EU (giảm 19,3%), Nhật Bản (giảm 47,68%), Australia (giảm 56,83%)...
Xuất khẩu gặp khó khiến giá tôm nguyên liệu liên tục giảm. Tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng..., trong tháng 5/2023, giá tôm sú và tôm thẻ qua ướp đá (tuỳ kích cỡ) giảm trung bình từ 15.000-45.000 đồng/kg. Giá tôm nguyên liệu giảm gây bất lợi trực tiếp cho người nuôi tôm, có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy một khi nhà nông “treo ao”, bỏ đầm...
Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp còn lượng hàng tồn kho lớn phải chật vật tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm tôm đã chế biến. Giá tôm xuất khẩu do thị trường quyết định, trong khi đó, chi phí nuôi tôm phụ thuộc nhiều từ nguyên liệu đầu vào (thức ăn, các loại thuốc thủy sản và vi sinh) mà nguồn nhập khẩu phần lớn từ các doanh nghiệp FDI, cho nên, nếu không đạt năng suất cao, giảm tổn thất... sẽ rất khó có lãi.
Tỷ lệ thành công cao trong nuôi tôm, nhất là các loại hình nuôi có năng suất cao như siêu thâm canh, ngoài việc tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật, yếu tố hàng đầu vẫn là con giống. Chính vì vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng tôm giống, bảo đảm năng suất cao, chất lượng tốt và sạch bệnh.
Bên cạnh đó, cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm để đáp ứng với nhu cầu của thị trường quốc tế.
Người nuôi tôm cần được trang bị tốtvề kỹ thuật, khoa học-công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Quyết định số 3475/QĐ-BNN- TCTS, ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ, đến năm 2025, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt hơn 8,4 tỷ USD và hơn 12 tỷ USD vào năm 2030. Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, cần phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và bền vững.
Thực tế đòi hỏi sự chung tay hành động với các giải pháp căn cơ, bài bản cho cả chuỗi sản xuất tôm, nhất là việc quy hoạch vùng nguyên liệu trọng điểm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa nguồn tiêu thụ tôm...
Cùng với việc xúc tiến, đa dạng hóa sản phẩm theo quy chuẩn phù hợp để mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến cũng cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước khoảng 100 triệu dân (chưa tính khách du lịch quốc tế).
Nhà nước cần xây dựng chính sách đặc thù dành riêng cho ngành tôm. Một khi tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất thấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã... có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, phát triển nhanh hơn để dẫn dắt chuỗi ngành hàng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác dự báo, cung cấp thông tin thị trường giúp doanh nghiệp, nhà nông chủ động hơn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ tôm...
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chinh-sach-dac-thu-dua-nganh-tom-phat-trien-ben-vung-post758444.html