Thị trường bất động sản ảm đạm, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn

Thứ 4, 21.06.2023 | 14:48:40
726 lượt xem

Liên tiếp trong quý I và quý II năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, giao dịch thành công giảm sút mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Đứng trước chiều hướng tiếp tục đi xuống của thị trường BĐS, nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nhiều trung tâm giao dịch BĐS đã đóng cửa do không bảo đảm chi phí hoạt động.

Một dự án bất động sản tại khu vực phía tây Hà Nội. (Ảnh Duy LINH)

Thời gian gần đây, thị trường BĐS tiếp tục ghi nhận sự đi xuống cả về giá, mức độ thanh khoản và các giao dịch thành công khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ có xu hướng rời bỏ thị trường, hoặc chấp nhận bán với giá thấp để cắt lỗ nhưng vẫn không thành. Anh Trần Tuấn Anh, giám đốc một trung tâm môi giới BĐS trên địa bàn huyện Gia Lâm cho biết, vào thời điểm này của năm 2022, mỗi ngày trung tâm tiếp từ 5 đến 10 khách hàng đến giao dịch mua bán BĐS, chủ yếu là đất thổ cư, và chung cư với khoảng 30% giao dịch thành công. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay hầu như không có khách hàng đến giao dịch khiến trung tâm phải hoạt động cầm chừng, chờ thị trường sôi động trở lại.

Còn tại các khu vực thuộc nội thành Hà Nội, tình hình cũng không mấy khả quan. Hơn 2 tháng nay, anh Lê Văn Sinh, ở quận Hoàng Mai liên tục đăng thông tin trên các mạng xã hội và thông qua các trung tâm môi giới BĐS để bán căn nhà trong ngõ nhưng vẫn không thành công. Anh Sinh cho biết, căn nhà này anh mua từ đầu năm 2022 với hơn 100 triệu đồng/m2, là giá tương đối cao do đúng thời điểm thị trường BĐS đang sôi động.

Đến thời điểm này, do thị trường đi xuống cùng với áp lực trả lãi ngân hàng khiến anh quyết định chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn nhưng vẫn rất khó khăn. Cũng theo anh Sinh, cùng với căn nhà nêu trên, hiện anh đang rao bán hai mảnh đất ở quận Nam Từ Liêm, nhưng cũng đang trong tình trạng khó khăn tương tự.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, trong thời điểm hiện nay, trước sự đi xuống của thị trường, xu hướng chung của nhà đầu tư và người mua BĐS có tâm lý chờ đợi và nghe ngóng thị trường để mua khi thị trường có dấu hiệu chạm đáy. Trong khi đó, những người nắm giữ BĐS lại có tâm lý chờ đợi thị trường đi lên để bán ra nhằm giảm bớt thiệt hại. Điều này khiến các giao dịch thành công ở mức độ rất thấp. Theo thống kê, hiện nhu cầu tìm kiếm BĐS và lượng thông tin về BĐS trên các trang mạng giảm tới một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ nhu cầu và nguồn cung BĐS đều gặp nhiều thử thách trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường. Trong đó, các loại hình bị ảnh hưởng nhiều nhất là đất dự án, đất nền và nhà mặt phố.

Tại khu vực các tỉnh phía nam như TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS vẫn trong giai đoạn trầm lắng. Theo số liệu thống kê cho thấy, thị trường vẫn chưa có tín hiệu tích cực với sức mua của toàn thị trường giảm tới 98% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tại tỉnh Bình Dương, lượng tiêu thụ vẫn thấp hơn 79% so với cùng kỳ năm 2022. Giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở các sản phẩm có giá trung bình dưới 15 triệu đồng/m2.

Để kích thích thị trường BĐS tăng trở lại giữa bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị cung ứng BĐS đã đưa ra các chính sách ưu đãi, như tăng mức chiết khấu đối với phương thức thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, hỗ trợ các thủ tục pháp lý đối với khách hàng… Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây chỉ là những biện pháp mang tính chất tạm thời và cần có thời gian để thị trường có thể sôi động trở lại.

Việc lên, xuống của thị trường BĐS là điều bình thường và phụ thuộc vào sự điều tiết chung của thị trường cũng như có tính chất chu kỳ như đã từng xảy ra nhiều lần. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và có chính sách phù hợp nhằm điều tiết thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, tránh sự rủi ro cho nền kinh tế nói chung và các nhà đầu tư nói riêng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và bảo đảm kế hoạch trả nợ.

Ngoài ra, các ngân hàng cần kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu ở thực, cũng như hoạt động kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường. Các ngân hàng cũng được yêu cầu kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thi-truong-bat-dong-san-am-dam-nhieu-nha-dau-tu-gap-kho-khan-post758623.html

  • Từ khóa