"Chính phủ dường như đã bắt đầu năm 2020 bằng một chiến dịch thúc đẩy cải cách thể chế và thủ tục hành chính rất ấn tượng, với những cơ chế mới thúc đẩy hoàn thiện và thực thi pháp luật đầy hứa hẹn".
Các quy định chồng chéo, xung độtđnag là rào cản lớn đối với việc huy động các nguồn lực cho phát triển.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh điều này khi nhìn lại năm 2019, nhận định năm 2020 và đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ theo một trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết 01: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm 2019 với những thành quả tăng trưởng và cải cách rất đáng khích lệ, với những đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, nhưng với tinh thần dũng cảm và những nỗ lực vượt lên, Việt Nam đã ghi dấu ấn trên bầu trời kinh tế thế giới về tăng trưởng, cải cách và hội nhập.
Hai từ khóa quan trọng nhất là “gỡ bỏ” và “kết nối”
Khẳng định đà cải cách đang được thúc đẩy và chúng ta đang bước vào năm 2020 với tâm thế mới, hành trang mới, quyết tâm mới và niềm tin mới, nhưng Chủ tịch VCCI cũng lưu ý, không thể không quan ngại khi những bất ổn và xu hướng giảm tốc trong nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục.
Ở trong nước, một số tín hiệu vĩ mô cũng không thể không làm chúng ta phải lưu tâm khi tăng trưởng quý IV năm 2019 đạt mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Nhiều đầu tàu công nghiệp giữ vai trò dẫn dắt nên kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn tăng cao. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản. 60% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi. Cơ cấu thị trường khách du lịch tới Việt Nam, cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu, cơ cấu dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch theo chiều hướng bất lợi, lệ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường. 3 năm liền nguồn thu ngân sách từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt được kế hoạch do Quốc hội đề ra...
“Để vượt lên khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển năm 2020 phải tốt hơn 2019, dư địa và động lực tăng trưởng lớn nhất vẫn là cải cách thể chế! Hai từ khóa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng và phát triển năm 2020 và nhiều năm tới, theo tôi là “gỡ bỏ“ và “kết nối””, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Cụ thể hơn, gỡ bỏ rào cản để khơi thông các nguồn lực, kết nối để lan tỏa kác giá trị. Kết nối FDI với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong nước, siêu kết nối qua cách mạng 4.0, kết nối với thế giới bên ngoài qua các FTAs là những nỗ lực phải đầy mạnh.
“Chúng tôi hoan nghênh cố gắng tích cực của Chính phủ trong việc triển khai rất khẩn trương các nghị quyết 01,02. Chính phủ dường như đã bắt đầu năm 2020 bằng một chiến dịch thúc đẩy cải cách thể chế và thủ tục hành chính rất ấn tượng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã tới dự và chỉ đạo hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2020 ,Thủ tướng đích thân dự và chỉ đạo hội nghị của các bộ ngành triển khai công tác. Tổ công tác rà xét pháp luật được thành lập, tổ công tác thúc đẩy cải cách thể chế cũng sẽ Ra đời. Đó là những cơ chế mới thúc đẩy hoàn thiện và thực thi pháp luật đầy hứa hẹn. Áp lực cải cách từ trên xuống, áp lực hội nhập từ ngoài dội vào , áp lực niềm tin và kỳ vọng của người dân từ cơ sở sẽ là những lực đẩy quan trọng của cải cách”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI, về kết nối FDI với SMEs, cần có nỗ lực ở cả hai đầu: tăng cường trách nhiệm của FDI và nâng cao năng lực của SMEs . Kết nối với doanh nghiệp trong nước cần được coi là một chỉ tiêu chất lượng quan trọng hàng đầu của dòng vốn FDI thế hệ mới, là trách nhiệm xã hội của các chủ doanh nghiệp FDI đối với quê hương thứ hai của mình. Là phương cách để FDI sâu rễ bền gốc trong nền kinh tế Việt Nam và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Cùng với đó, hành trình dỡ bỏ các rào cản đã được đầy mạnh trong nhiệm kỳ này của chính phủ. Năm 2016, Chính phủ đã xóa bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh khoác áo thông tư, xác lập các điều kiện kinh doanh trong nghị định theo một danh mục chặt chẽ quy định tại luật đầu tư. Năm 2018, Chính phủ đã cắt giảm và đơn giản hoá 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành.
Năm 2019 tuy không có những “con sóng lớn”, nhưng những nỗ lực cải cách vẫn được tiếp tục và việc triển khai Chính phủ điện tử có thể coi là một điểm nhấn. Việc triển khai CPTPP và ký kết EVFTA là những nỗ lực hội nhập quan trọng.
Đề xuất “năm cánh của ngôi sao cải cách”
Về năm 2020, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị trước hết cần tập trung rà soát và giải quyết các điểm chồng chéo, xung đột trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh, liên quan đến các luật đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, nhà ở, đấu thầu.... Qua rà sát ban đầu, VCCI thấy ít nhất có 25 điểm chồng chéo, xung đột đang là rào cản lớn nhất đối với việc huy động các nguồn lực cho phát triển, và quy trình thủ tục đầu tư cho các dự án ở tất cả các địa phương đang chậm lại.
Giải quyết những xung đột này, thông qua việc dùng một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là điểm đột phá về cải cách thể chế và thủ tục hành chính cho năm 2020.
Điểm thứ hai, cần tiếp tục triển khai một cách thực chất chương trình cắt giảm đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành với yêu cầu cắt giảm ít nhất 20% thủ tục cũng như các chi phí thời gian và tiền bạc cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2018, các bộ ngành báo cáo đã hoàn thành kế hoạch cắt giảm và đơn giản hoá tới 50% nhưng theo một số đánh giá độc lập thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá thực chất chỉ ở mức 30%, nên mục tiêu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá thêm 20% nữa trong năm 2020 là phù hợp.
Thứ ba, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị tiếp tục hành trình số hoá, thúc đẩy Chính phủ điện tử trong năm 2020, cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển giao dịch vụ công cho xã hội và thị trường đúng với tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh là không phải là cơ quan nhà nước muốn hay không mà phải chuyển giao tất cả những việc mà xã hội và thị trường có thể đảm nhiệm, để Chính phủ tập trung làm thể chế. Tăng phân quyền phân cấp phân quyền cho các địa phương.
“Nói gọn lại, tôi hy vọng, năm cánh sao của ngôi sao cải cách thể chế năm 2020 sẽ là: Một là, xóa bỏ chồng chéo (tập trung xử lý 25 điểm chồng chéo pháp luật lớn nhất – có thể tạm gọi là chương trình 25), hai là cắt giảm thủ tục (chương trình 20 - cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh), ba là thực hành chính quyền điện tử, bốn là chuyển giao dịch vụ công, năm là phân cấp phân quyền cho địa phương và cơ sở”, ông Lộc phát biểu và cho rằng, đây sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
VCCI cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và trình ra Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Đối tác công tư theo tư duy mới để tạo nên tảng cho các hệ thống pháp luật về kinh doanh ở nước ta.
Trong đó, việc đưa các hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp dưới hình thức “doanh nghiệp một chủ” theo thông lệ của thế giới là rất cần thiết để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này, giảm nhũng nhiễu, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động của một khu vực đóng góp tới 30% GDP của nền kinh tế, liên quan tới sinh kế của hàng chục triệu người dân.
“2020 cũng là năm chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về cải thiện chất lượng của dòng chảy FDI, bảo đảm sự cộng sinh cùng có lợi giữa khu vực FDI với các doanh nghiệp nội địa và nền kinh tế Việt Nam, tôi hy vọng, năm nay sẽ mở đầu “mùa chim làm tổ“, “kết duyên“ được giữa các FDI với SMEs nội địa của chúng ta. Tôi cũng đề nghị Chính phủ trình quốc hội ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy quá trình này”, Chủ tịch VCCI kiến nghị.
baochinhphu.vn/Thi-truong/Bat-dau-nam-2020-bang-chien-dich-thuc-day-cai-cach/384809.vgp
Theo chinhphu.vn