Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa đã trở thành bệ đỡ cho các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, vượt qua giai đoạn khó khăn bước đầu hiện nay.
Thị trường nội địa rất tiềm năng với doanh nghiệp. |
Doanh nghiệp xuất khẩu “rục rịch” quay về thị trường nội địa
Công ty Cổ phần Minh Dương là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bún, miến khô xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, châu Âu... Kể từ thời gian gặp khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu gặp khó khăn nên doanh nghiệp này đã chuyển sang chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường trong nước và duy trì từ đó đến nay. “Dự kiến trong năm 2023 doanh nghiệp sẽ cung ứng cho thị trường nội địa 500.000 tấn bún, miến khô”, ông Nguyễn Duy Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Minh Dương cho biết.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Nguyên liệu Tavico (Thành phố Biên Hòa) trước đây chuyên cung ứng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. Năm nay ngành gỗ gặp nhiều khó khăn, các đơn vị làm hàng xuất khẩu sụt giảm sản lượng, kéo theo việc tiêu thụ nguyên liệu của công ty cũng không được như kỳ vọng. Hiện tại, để giải quyết khó khăn và đa dạng hơn trong việc cung ứng nguyên liệu, công ty đã nhập các loại gỗ phù hợp với thị trường trong nước và từng bước giới thiệu sản phẩm, nguyên liệu mới tại thị trường nội địa.
Đây là 2 trong số nhiều doanh nghiệp đã thành công với việc quay lại thị trường nội địa. Trong bối cảnh xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn chung thì thị trường nội địa được đánh giá là trụ đỡ cho nền kinh tế khi tăng trưởng tương đối ổn định trong thời gian qua. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2023 đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.
Chia sẻ về mức tăng trưởng này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: “Có thể nói, thị trường nội địa đã tiếp tục trở thành bệ đỡ cho sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và được người dân đón nhận. Đây là lý do giúp thị trường trong nước vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số. Đặc biệt là ở tháng thường có mức tiêu dùng thấp như tháng 5 nhưng lại có con số tăng trưởng cao nhất trong 8 năm gần đây".
"Đây là tín hiệu rất đáng mừng khi công tác triển khai các giải pháp tăng trưởng cho thị trường nội địa, kết nối hàng hóa tại thị trường trong nước phục vụ cho người dân; các chương trình an sinh xã hội, phát triển thị trường đã được phát huy hiệu quả. Hiện, thị trường trong nước đã tổ chức được những mạng lưới để cung ứng hàng hóa đến 100 triệu người dân Việt Nam”, bà Việt Nga nhấn mạnh.
Về phía các doanh nghiệp, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã nâng thị phần tại thị trường nội địa, đặc biệt doanh nghiệp làm các mặt hàng có giá trị gia tăng. Riêng tại VASEP cũng có câu lạc bộ tiêu thụ hàng nội địa với khoảng 30 doanh nghiệp tham gia. Có những doanh nghiệp đã có doanh số tại thị trường nội địa chiếm từ 30-50% tổng doanh thu.
“Các mặt hàng chủ yếu đưa vào thị trường nội địa là mặt hàng giá trị gia tăng, phù hợp với thị hiếu của người dân, đặc biệt ở miền bắc”, bà Lê Hằng cho hay.
Hàng hóa cho thị trường nội địa phải đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. |
Khắc phục khó khăn
Bên cạnh những lợi thế về dân số đông, đã đi qua đại dịch thì theo các chuyên gia, những khó khăn vẫn luôn tồn tại trong quá trình phát triển thị trường trong nước như doanh nghiệp vẫn còn thiếu vốn để hiện đại hóa thị trường bán lẻ, logistics cho nội địa… Bên cạnh đó, vẫn còn khó khăn trong xây chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu dùng. Các chuỗi này cần có sự phù hợp riêng với từng đối tượng.
Thị trường trong nước cũng gặp khó khăn do thu nhập của người dân còn bị tác động sau đại dịch, đặc biệt là người lao động khu vực các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đang gặp khó khăn do đơn hàng suy giảm.
Một vấn đề khác nữa là làm thế nào để các doanh nghiệp đã quen với xuất khẩu quay lại với thị trường nội địa khi thị trường nội địa có những nét hoàn toàn khác so với xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là với khối doanh nghiệp chỉ mới quen gia công hàng hóa.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, có những doanh nghiệp xuất khẩu khi quay lại thị trường trong nước thì phản ánh rằng rất khó. Có những doanh nghiệp chỉ quen hoạt động ở thị trường nội địa, cảm thấy ra bên ngoài là điều gì rất trắc trở.
"Ở thị trường nào cũng cần đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp nên có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để xây dựng chiến lược bán hàng, chiến lược thương hiệu. Đặc biệt với hàng xuất khẩu, khi Việt Nam sản xuất khối lượng hàng hóa rất lớn nhưng chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng của đối tác ngoại, không nắm được câu chuyện thị trường”, ông Hải khuyến nghị.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường nội địa được nhắc đến nhiều hơn. Việt Nam có 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu gia tăng, mức chi tiêu và sự đòi hỏi, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng thế giới nhanh hơn. Rõ ràng đây là thị trường tiềm năng, hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp nội địa mà rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài muốn nhảy vào. Nhưng việc doanh nghiệp Việt Nam còn chưa mạnh ở thị trường nội địa, theo TS Thành là do thiếu thông tin.
“Các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn vào Việt Nam, họ tìm hiểu thông tin về thị trường rất chi tiết, tỉ mỉ. Nhưng doanh nghiệp Việt tự tin rằng mình là người Việt, mình hiểu rồi thì chưa chắc. Các phân khúc khác nhau, các nhu cầu khác nhau và sự chuyển đổi nhu cầu theo từng giai đoạn cũng khác nhau. Chi phí nghiên cứu thị trường khá tốn kém. Do vậy, vai trò của Hiệp hội, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng là rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin thị trường, không chỉ thông tin đầy đủ mà phải có tính bao quát, đại diện, và kịp thời để doanh nghiệp chuyển đổi”, Tiến sĩ, Võ Trí Thành đề xuất.
Hà Anh/nhandan.vn
https://nhandan.vn/manh-dat-tiem-nang-cho-doanh-nghiep-viet-post759114.html