Thời gian qua, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã từng bước “tối ưu hóa” các dịch vụ điện để tăng mức độ hài lòng của khách hàng. Trong đó, công ty đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán tiền điện và các chi phí về dịch vụ điện.
Ông Đào Xuân Thanh, Giám đốc Điện lực thành phố Lạng Sơn (phụ trách địa bàn thành phố và huyện Cao Lộc) cho biết: Hiện số lượng khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là 56.726/65.705 khách hàng, đạt 86,33%; thanh toán các chi phí dịch vụ về điện khác đạt 89,7%. Để thúc đẩy thanh toán trực tuyến, thời gian qua, đơn vị đã và đang phối hợp với các tổ chức trung gian như Viettel Pay, VNPT Pay, Zalo Pay và các ngân hàng đến trực tiếp từng khu phố, thôn, xóm hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, song song với đó là gửi tin nhắn đến khách hàng khuyến khích sử dụng thanh toán trực tuyến trên các nền tảng số.
Cán bộ Điện lực thành phố Lạng Sơn hướng dẫn khách hàng cài đặt phần mền thanh toán tiền điện trên thiết bị điện tử thông minh
Không chỉ Điện lực thành phố, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công ty Điện lực Lạng Sơn, thời gian qua, các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị điện lực trực thuộc chủ động đẩy mạnh thanh toán tiền điện và các chí phí về dịch vụ điện trực tuyến.
Bà Lý Thanh Huyền, Phó trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Hiện công ty đã ký hợp đồng hợp tác thu hộ tiền điện với 8 ngân hàng và 9 tổ chức trung gian. Qua kết nối với phần mềm của các ngân hàng, đơn vị trung gian, khách hàng mua điện có thể thanh toán tiền điện và các chi phí dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, công ty chú trọng phát triển các hình thức thanh toán trích nợ tự động qua tài khoản các ngân hàng, ví điện tử. Hình thức trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng sẽ tiết kiệm được thời gian và an toàn trong giao dịch, đặc biệt thích hợp với những người bận rộn, không sợ bị quên việc thanh toán tiền điện. Bên cạnh những kênh thanh toán qua ngân hàng, qua ví điện tử…, công ty còn ứng dụng hệ thống QR Code, Mobile Money góp phần giúp tăng tiện ích và thuận lợi cho các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt các khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khi chưa có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán tiền điện theo hình thức không sử dụng tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Hoa (đường Lê Đại Hành, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Từ đầu năm 2022, tôi được nhân viên điện lực hướng dẫn cài đặt phần mềm của ngành điện để sử dụng, trong hơn 1 năm vừa qua, tôi thấy rất thuận tiện, trước mắt là gia đình biết trước được chỉ số điện sử dụng và số tiền cần thanh toán, đồng thời việc thanh toán tiền hàng tháng rất tiện, không mất công phải đi đến điểm thu tiền điện như trước kia.
Thực tế cho thấy, việc thanh toán tiền điện và các chi phí về dịch vụ điện trực tuyến đã tiết kiệm được thời gian cho khách hàng. Không chỉ vậy, việc thanh toán được kiểm soát một cách minh bạch.
Ông Vũ Khánh Toàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ra mắt hệ sinh thái số EVNCONNECT, trong đó kết nối, hội nhập với các nền tảng số của quốc gia, các nền tảng số của các ngành khác. Trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, tới đây, công ty sẽ tiếp tục tích hợp các phần mềm ứng dụng kỹ thuật số, đồng thời chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn và các đơn vị viễn thông thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp thanh toán thông minh, qua đó mang lại đa tiện ích cho người dân.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty Điện lực Lạng Sơn, với việc thông tin cá nhân được tích hợp qua căn cước công dân, số định danh cá nhân, thời gian tới, ngành điện Lạng Sơn sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động thanh toán tiền điện và các chi phí dịch vụ điện trên nền tảng chuyển đổi số dữ liệu của khách hàng, qua đó vừa mang lại tiện ích cho khách hàng, vừa giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, góp phần vào quản lý thuế, phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực an ninh tiền mặt.
Hiện trên địa bàn tỉnh, ngành điện đã xóa bỏ hoàn toàn hoạt động thu tiền điện tại nhà, đồng thời giảm hơn 80% các điểm thu tiền điện tại thành phố và các huyện. Hiện tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên toàn tỉnh đạt 82,9% (208.675/251.637 khách hàng); tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ có thu phí gồm chí phí lắp đặt công tơ, chi phí di chuyển vị trí công tơ, chi phí đóng cắt điện… đạt 92,9%, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. |
Theo baolangson.vn