Nhà thầu thi công chậm sẽ không được giao dự án mới

Thứ 5, 29.06.2023 | 09:38:13
547 lượt xem

Ngày 28/6, Bộ Giao thông vận tải đã họp kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm của ngành. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án có dự án chậm triển khai và nhà thầu chậm trễ trong khâu thi công sẽ không được giao dự án mới cho đến khi nào khắc phục xong.

Công trường thi công tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Năm nay, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công hơn 95.200 tỷ đồng; trong đó, vốn giao năm 2023 hơn 94.100 tỷ đồng, còn hơn 1.000 tỷ đồng là số vốn kéo dài từ năm 2022 chuyển sang.

Giải ngân cao gấp hai lần cùng kỳ

Theo Vụ trưởng Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) Bùi Quang Thái, đến nay, Bộ đã giao kế hoạch chi tiết cho các dự án tổng số 95.196 tỷ đồng (đạt 99,9%). Kế hoạch vốn năm 2023 chủ yếu tập trung giao cho 12 chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án do Bộ quản lý với gần 86.800 tỷ đồng (chiếm 91% tổng số vốn được giao); các chủ đầu tư còn lại (24 sở giao thông vận tải, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC và hai trường cao đẳng) được giao 8.400 tỷ đồng (chiếm gần 9%).

“Tính đến ngày 30/6, Bộ Giao thông vận tải ước giải ngân khoảng 35.627 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình của cả nước. So cùng kỳ, kết quả giải ngân sáu tháng qua cao gấp hai lần về giá trị; giá trị giải ngân tập trung ở các dự án đường cao tốc bắc-nam với 24.466 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 69% giá trị giải ngân của Bộ”, ông Bùi Quang Thái thông tin.

Một số nhóm dự án đáp ứng sản lượng giải ngân so với kế hoạch đăng ký như các dự án đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn I) giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng (đạt 103%); các dự án ODA giải ngân gần 4.500 tỷ đồng (đạt 111%); các dự án trong nước khác giải ngân 6.350 tỷ đồng (đạt 115% so kế hoạch đăng ký).

Xét theo nhóm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải giải ngân hơn 32.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90,2% giá trị đã giải ngân của Bộ, đạt 37% kế hoạch năm. Các chủ đầu tư khác giải ngân gần 3.500 tỷ đồng, đạt gần 42% kế hoạch năm và 132% kế hoạch giải ngân sáu tháng do các chủ đầu tư đăng ký.

Đặc biệt nhấn mạnh năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn “kỷ lục” hơn 95.000 tỷ đồng và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án/Chủ đầu tư phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất, đôn đốc tiến độ từng tuần, từng tháng, quyết thực hiện cho được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo yêu cầu của Chính phủ.

Về phía Sở Giao thông vận tải các địa phương được giao thực hiện một số dự án của Bộ, nếu sở nào tỏ ra yếu kém làm dự án bị trượt tiến độ, ảnh hưởng kết quả giải ngân chung cũng sẽ bị chấm dứt việc giao dự án mới.

Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng biểu dương một số dự án có tiến độ giải ngân tương đối tốt như: Vũng Áng-Bùng (đạt 115%), Vạn Ninh-Cam Lộ (đạt 102%) và nhiều dự án đạt khối lượng giải ngân hơn 90% so với kế hoạch đăng ký.

Các ban quản lý dự án/chủ đầu tư cần tiếp tục chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công, giải quyết nhanh chóng về thủ tục hồ sơ nghiệm thu, thanh toán. Tư vấn thiết kế sớm hoàn chỉnh hồ sơ; phối hợp các cơ quan tham mưu và các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, xử lý vướng mắc để phê duyệt 14 dự án trong quý III tới theo kế hoạch.

Hóa giải “thách thức” về mặt bằng, vật liệu

Đề cập nguyên nhân tiến độ giải ngân ở một số dự án chưa đáp ứng được kế hoạch đăng ký với Bộ Giao thông vận tải, một số lãnh đạo ban quản lý dự án nhận định, một phần nguyên nhân đến từ việc giải phóng mặt bằng phức tạp, khó xử lý tại nhiều địa phương.

Đơn cử, tại dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho biết, kết quả giải ngân nửa đầu năm nay của Ban chưa đạt như kỳ vọng do thách thức không nhỏ từ tiến độ giải phóng mặt bằng.

Đề cập nguyên nhân chậm giải ngân tại dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, bên cạnh năng lực thi công của nhà thầu còn hạn chế, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng là yếu tố gây tác động không nhỏ. Tại khu vực thi công gói thầu XL3, đến ngày 20/6, những vướng mắc trong di dời nhà máy nước tại Khu kinh tế Nghi Sơn mới cơ bản được giải quyết.

Tương tự, đối với hai dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi và Hàm Nghi-Vũng Áng, áp theo tiến độ đã bị “trượt” kế hoạch giải ngân. Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Đinh Công Minh cho rằng, nguyên nhân do kế hoạch đăng ký giải ngân được xác định trên cơ sở việc giải phóng mặt bằng các dự án được hoàn thành trong tháng 6/2023.

Tuy nhiên, trên thực tế quá trình triển khai, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các khu vực đất thổ cư và việc di dời hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn khiến tiến độ giải ngân bị chậm lại. Ban Quản lý dự án đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương sớm giải quyết các vướng mắc, thách thức, tạo sự chuyển biến trong giải phóng mặt bằng và giải ngân.

Bên cạnh thách thức mặt bằng, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cũng nhận định, nguồn vật liệu chính là yếu tố khiến tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là dự án chiếm tỷ trọng lớn trong kế hoạch giải ngân năm 2023 của Bộ như đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn II) bị “đe dọa”.

Theo báo cáo, tính đến nay, các nhà thầu đã hoàn thiện hồ sơ và trình Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát; địa phương đã cơ bản xác nhận khối lượng khai thác 18/58 mỏ đất, 2/11 mỏ cát.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã bố trí khoảng 1,9 triệu mét khối cát (dự kiến tiếp tục bố trí khoảng 5,1 triệu mét khối), tỉnh An Giang đang triển khai các thủ tục để bố trí khoảng 1,1 triệu mét khối, Vĩnh Long khoảng 1,1 triệu mét khối.

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp các sở, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục khai thác vật liệu cho dự án, bảo đảm tiến độ thi công và tiến độ giải ngân.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện giao Bộ Giao thông vận tải thành lập các tổ công tác, có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, lên kế hoạch làm việc với các địa phương về vấn đề vật liệu thi công đường cao tốc bắc-nam. Các ban quản lý dự án cần phản ánh đầy đủ, kịp thời các vướng mắc, nhận diện khó khăn về vật liệu, không để xảy ra tình trạng “không lường được” ở giai đoạn sau này.

“Trong khi quy định của pháp luật như nhau, hiện nay có một số địa phương đã hoàn thành thủ tục, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành thủ tục giao mỏ, do đó cần phân tích các điểm vướng mắc, chưa hợp lý dẫn đến sự chậm trễ. Đối với dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn II (2021-2025), các ban quản lý dự án phải bám sát tình hình giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, đất lúa và hoàn thành thủ tục cấp phép, khai thác mỏ vật liệu xây dựng. Chỉ khi xử lý dứt điểm được hai vấn đề lớn này, mới hy vọng sẽ bứt tốc được tiến độ dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nha-thau-thi-cong-cham-se-khong-duoc-giao-du-an-moi-post759875.html

  • Từ khóa