Một số công ty mới thành lập và huy động được khoản đầu tư gần nhất vào cuối năm ngoái đang rơi vào tình trạng cạn kiệt vốn, dẫn tới ngừng hoạt động, sa thải hàng loạt.
Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á, từ giai đoạn hạt giống đến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đang trên đà đạt mức thấp nhất kể từ năm 2016. Dữ liệu trên do Tech in Asia tổng hợp.
Tech In Asia dự đoán khu vực này sẽ kết thúc năm nay với tổng giá trị các khoản đầu tư vào công nghệ là 6,2 tỷ USD, thấp hơn hẳn so với năm 2017. Đây là thời điểm Sea Group, công ty internet có giá trị nhất Đông Nam Á, niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York (Mỹ).
Lãi suất tăng khiến vốn đầu tư mạo hiểm bị thu hẹp và các nhà đầu tư đổ xô đến nơi an toàn hơn là những yếu tố dẫn đến tình trạng khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, Đông Nam Á phải đối mặt với khó khăn kép khi trở thành thị trường xa lạ và rủi ro hơn với nhiều nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ.
Điều đó khiến nguồn tài trợ cho lĩnh vực công nghệ của khu vực giảm sâu hơn so với mức trung bình toàn cầu, giảm 82% so với 53% của thế giới, theo Tech in Asia và Crunchbase.
Các nhà đầu tư cho biết họ dự đoán sự phục hồi sẽ chỉ bắt đầu sớm nhất vào năm sau. Neo Weisheng, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Qualgro, nói với Tech in Asia: "Tôi không nghĩ rằng mùa đông gọi vốn sẽ qua nhanh, ít nhất là trong vòng 12 tháng tới".
Đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á đang rất ảm đạm (Ảnh: Brink News)
Theo dữ liệu của Tech In Asia, khoảng cách giữa các giai đoạn cấp vốn thường là 19-22 tháng. Do vậy, các start up có thể gặp rắc rối nếu không huy động được tiền trong khoảng thời gian đó.
Một số công ty mới thành lập và huy động được khoản đầu tư gần nhất vào cuối năm ngoái cũng đang rơi vào tình trạng cạn kiệt vốn, dẫn tới ngừng hoạt động, sa thải hàng loạt và buộc phải sáp nhập trong những tháng tới.
Mặt khác, sự bùng nổ của AI đã giúp các start up công nghệ huy động được số tiền đáng kể nhưng phần lớn họ lại có trụ sở tại Mỹ. Ngay cả khi môi trường vĩ mô được cải thiện, việc các khoản đầu tư vào công nghệ được phục hồi có thể sẽ là một quá trình kéo dài.
Trong bối cảnh hiện tại, không ít nhà đầu tư đang tìm cách thu hồi vốn bằng cách rút các khoản đầu tư mạo hiểm. Một số trường hợp, họ còn lấy sự bất cẩn của người sáng lập làm cớ để cáo buộc vi phạm thỏa thuận đầu tư nhằm rút vốn.
Trong khi đó, các nhà đầu tư khác đang buộc các công ty phải sáp nhập hoặc buộc người sáng lập phải lựa chọn giữa việc đồng ý với các điều khoản bất lợi hoặc đối mặt với việc công ty phải đóng cửa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, các hoạt động khởi nghiệp tại Đông Nam Á đang ngày càng đa dạng và có tiềm năng tăng trưởng. Mặc dù vậy, quá trình phục hồi và cơ hội sinh lời tại khu vực này ra sao vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Về phần mình, Neo Weisheng nhận xét: "Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vẫn sẽ đổ vào những startup có nhà sáng lập có năng lực và tầm nhìn".
Theo dantri.com.vn