Nhiều nhà hàng, khách sạn ở Pháp đã phải hứng chịu làn sóng hủy đặt phòng do lo sợ các cuộc biểu tình bạo lực. Mạng lưới giao thông nơi đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây trở ngại cho du khách.
Hiệp hội tuyển dụng ngành khách sạn Pháp cho biết các khách sạn thành viên đã phải hứng chịu làn sóng hủy đặt phòng do e ngại các cuộc biểu tình bạo lực ở Pháp. Mặc dù khi ngành du lịch trở lại sau đại dịch, hàng trăm nghìn du khách đã đổ đến Paris để du lịch.
Một nhân viên đang dọn dẹp lại cửa hàng sau cuộc bạo động ở Paris ngày 30/6 (Ảnh: AFP).
"Cùng với Italy và Tây Ban Nha, Pháp đại diện cho một phân khúc tăng trưởng du lịch đáng kể ở Tây Âu. Quốc gia này không chỉ nổi tiếng với du khách từ châu Âu như Anh, Đức, Bỉ, mà còn nổi tiếng với du khách từ cả Trung Quốc hay Mỹ", Hannah Free, nhà phân tích du lịch và lữ hành tại GlobalData, một công ty dữ liệu tại Anh, cho biết.
Trong khi đó, Hiệp hội Khách sạn Pháp cũng cho thấy các nhà hàng trong khu vực Paris có doanh thu giảm 20-30% khi các cuộc đình công phản đối độ tuổi hưu trí bắt đầu từ đầu năm nay.
Một người đi ngang qua một cửa hàng bị cướp phá trên đường phố trong các cuộc biểu tình ngày 30/6 (Ảnh: Getty Images).
Liên đoàn bán lẻ Pháp (FCD) kêu gọi cảnh sát tăng cường an ninh quanh các cửa hàng. Theo ông Jacques Creyssel, Giám đốc điều hành của FCD, các cuộc bạo loạn đã làm nảy sinh những vụ cướp bóc thật sự khi hơn 100 cửa hàng thực phẩm, hàng hóa lớn bị phá hoại, cướp bóc và thậm chí bị đốt.
Còn GlobalData cho biết, một trong những điểm thu hút lớn nhất của Pháp là hệ thống giao thông khi việc đi lại giữa các thành phố lớn tương đối dễ dàng nhờ tàu cao tốc. Tuy nhiên, nếu đình công hay bạo loạn tiếp tục kéo dài, các chuyến tàu cao tốc chịu ảnh hưởng cũng sẽ khiến du khách không còn hứng thú đến Pháp du lịch.
Không rõ các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu và Pháp sẽ thực hiện những biện pháp nào để xử lý (Ảnh: Reuters).
Vào ngày 30/6, Pháp đã ra lệnh ngừng hoạt động tất cả các dịch vụ xe buýt và xe điện trên toàn quốc trước 21h.
Một số dịch vụ xe buýt đã bị gián đoạn ở Paris nhưng hệ thống tàu điện ngầm vẫn hoạt động bình thường. Biện pháp này được ban bố một ngày sau khi các cuộc bạo động nhắm vào cơ sở hạ tầng giao thông.
Không những vậy, Pháp cũng là điểm đến kết nối với các nước châu Âu khác thông qua các chuyến tàu đêm đường dài. Tuy nhiên, những ngày gần đây, các cuộc bạo loạn tại Pháp đã bắt đầu lan sang các quốc gia châu Âu khác như Thụy Sĩ hay Bỉ.
Huỳnh Anh/dantri.com.vn