Dự án khởi nghiệp của Lê Diệp Kiều Trang thất bại dưới góc nhìn "lạ"

Chủ nhật, 09.07.2023 | 10:02:58
622 lượt xem

Dự án xe đạp in 3D của bà Lê Diệp Kiều Trang và chồng là Sonny Vũ dường như đã bỏ qua yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất: sản phẩm phải đảm bảo chất lượng.

Bà Lê Diệp Kiều Trang và chồng - ông Sonny Vũ - gây tranh cãi nhiều về dự án sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D với vật liệu carbon trong thời gian qua. Nhiều người phàn nàn về chất lượng xe, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng của Công ty Arevo như đặt xe nhưng không được giao hàng, hoặc gửi email nhưng không được phản hồi, xe được giao chậm, phải trả thêm phí vận chuyển… Thậm chí, một số ý kiến còn tố ông Sonny Vũ và bà Trang lừa đảo.

Với 7,2 triệu USD được huy động từ các nhà đầu tư, bà Trang cho rằng: Tiền đã đổ hết vào nhà máy sản xuất, phụ tùng xe đạp, chi phí "ba tại chỗ", chi phí vận tải tăng gấp nhiều lần sau Covid-19 khi nhập nguyên liệu đầu vào, lương kỹ sư công nhân... 

Theo chia sẻ của cựu CEO Facebook Việt Nam với báo Thanh Niên, Covid-19 khiến dự án không mua được phụ tùng xe đạp theo tiêu chuẩn đã thiết kế, không tìm được các đơn vị gia công (sơn, lắp ráp) đủ tiêu chuẩn... khiến sản phẩm hoàn thiện giai đoạn này không tốt. Khách hàng ở cả Việt Nam và nước ngoài đều chê sản phẩm không đẹp.

Dự án khởi nghiệp của Lê Diệp Kiều Trang thất bại dưới góc nhìn lạ - 1

Bà Lê Diệp Kiều Trang (Ảnh: FBNV).

Bên cạnh các ý kiến than phiền và tranh cãi về dự án khởi nghiệp này, một số khác lại đưa ra các phân tích nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng. Bà Nguyễn Ngọc Anh, người có kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng cho 2 tập đoàn dược Merck ở Mỹ và Lonza ở Singapore, phân tích những điểm trọng yếu liên quan tới sự thất bại của start up thiên về sản xuất như Arevo.

Trước hết, Arevo đã hoàn toàn thất bại trong việc kết nối giữa kỹ sư thiết kế và đội ngũ mua hàng trong giai đoạn đầu tiên khi phát triển các mẫu xe ban đầu. Kỹ sư khi thiết kế ra mẫu xe đã chọn những nguyên liệu từ các nhà sản xuất độc quyền mà không đánh giá khả năng cung ứng số lượng lớn từ các nhà cung cấp này. 

Một nhà cung ứng có khả năng sản xuất và giao 100 sản phẩm một cách dễ dàng, nhưng khi đơn hàng ở 5.000-10.000 chiếc thì chất lượng hoặc thời gian sản xuất của họ sẽ thay đổi rất lớn. Các vấn đề này thường sẽ được đánh giá bởi đội ngũ mua hàng.

Các kỹ sư thì chỉ muốn thiết kế sao cho ấn tượng nhất mà không để ý đến vấn đề rủi ro về nhà sản xuất phụ kiện. Đến khi bản mẫu làm xong, đến đoạn mua hàng cho sản xuất hàng loạt thì đã quá trễ trong việc thay đổi nhà sản xuất và nguyên liệu khi vấn đề phát sinh.

Thứ 2, Arevo quá vội vã trong việc gia tăng sản xuất với số lượng lớn. Bởi vì thiếu thời gian định hình sản xuất nên đội ngũ cung ứng không thể phân tích rủi ro cho từng linh kiện. Mỗi một linh kiện cần có ít nhất 2-3 nhà cung ứng và phải có kế hoạch để có thể thay thế linh kiện này trong trường hợp hàng bị giao trễ.

"Không thể đổ thừa hoàn toàn cho Covid là một rủi ro không thể lường trước. Người làm sản xuất luôn phải chuẩn bị 1-2-3 kịch bản cho cái rủi ro thường gặp nhất, đó là không có đủ nguyên vật liệu để lên dây chuyền sản xuất, bà Ngọc Anh chia sẻ.

Một vấn đề khác là bà Lê Diệp Kiều Trang thừa nhận đã có rất nhiều phương án đối phó về thiếu vật liệu sản xuất nhưng chất lượng đều không đạt tiêu chuẩn như mong muốn, tuy nhiên những chiếc xe thiếu chất lượng này vẫn được giao đến tay người dùng. Điều này, bà Ngọc Anh cho rằng nhà sản xuất có thể thỏa hiệp về giá, về thời gian sản xuất nhưng không thể thỏa hiệp về chất lượng.

Cụ thể hơn, doanh nghiệp sản xuất vô cùng khó khăn vì đứt đoạn nguyên vật liệu trong thời gian bị Covid-19, việc tìm nhà cung ứng mới hay tìm một vật liệu khác để thay thế thiết kế cũ là chuyện thường xảy ra. Việc chậm trễ có thể chấp nhận được, thậm chí việc thay đổi nhà cung cứng cho các phụ tùng trong bản thiết kế. Nhưng dù là thay đổi gì thì vẫn phải bảo đảm sự thay thế này vẫn mang lại chất lượng, hiệu quả tương tự.

Nhà sản xuất không thể vì áp lực cần giao hàng mà thỏa hiệp với nguồn cung nguyên vật liệu yếu kém, hay ký hợp đồng gia công với những xưởng không đủ trình độ. "Giây phút thỏa hiệp về chất lượng chính là lúc Arevo tự tay bóp chết tương lai của mình. Có ích gì khi giao sản phẩm không đủ điều kiện cho một khách hàng đã mất kiên nhẫn", bà Ngọc Anh đặt câu hỏi.

Bà Lê Diệp Kiều Trang còn cho rằng đây là sản phẩm còn trong giai đoạn nghiên cứu, thí nghiệm nên còn nhiều khiếm khuyết. Phản hồi ý này, bà Ngọc Anh cho rằng nếu vậy, chiếc xe nên chỉ tồn tại trong phòng thí nghiệm và chỉ được chạy thử nghiệm, không nên đến tay người tiêu dùng. Nếu người sử dụng chiếc xe này bị thương vì xe bị lỗi kỹ thuật, ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm?


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/du-an-khoi-nghiep-cua-le-diep-kieu-trang-that-bai-duoi-goc-nhin-la-20230708070055023.htm

  • Từ khóa