Trước bối cảnh xuất khẩu gặp khó, việc khai thác thị trường nội địa với sức mua 100 triệu dân chính là bệ đỡ giúp doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất, kinh doanh. Để tránh phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chú trọng hơn đến việc chiếm thị phần trong nước.
Công ty Cổ phần M2 Việt Nam là thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng và là đơn vị tiên phong cho mô hình siêu thị thời trang, giúp phân phối các sản phẩm may mặc của doanh nghiệp trong nước. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng cũng như hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Công ty Cổ phần M2 Việt Nam vừa khai trương thêm một điểm bán tại phố Minh Khai (Hà Nội). Chia sẻ thêm về chiến lược kinh doanh, ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam cho biết: "Định hướng của M2 là chuyên cung cấp quần áo, phụ kiện, sản phẩm thời trang của doanh nghiệp Việt Nam. Với định hướng như vậy, sau hơn 23 năm xuất hiện trên thị trường, đến nay Công ty có khoảng 200 nhà cung cấp nội địa với hàng trăm nghìn sản phẩm các loại phân phối tại 20 trung tâm thời trang ở trong và ngoài nước. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, M2 thường xuyên xem xét lại năng lực của các nhà cung cấp, chọn là bạn đồng hành với nhà cung cấp có nguồn hàng dồi dào, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, mức giá cạnh tranh. Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, việc đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng các cửa hàng nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng kinh tế".
Người dân mua sắm sản phẩm thời trang tại cửa hàng của Công ty Cổ phần M2 Việt Nam. |
Không chỉ với các doanh nghiệp phân phối sản phẩm may mặc, thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất thời trang hàng đầu trong nước, như: May 10, Ðức Giang, Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng... cũng tập trung nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, quảng bá nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường. Nổi bật như Tổng công ty Cổ phần May 10, để khai thác thị trường nội địa, doanh nghiệp tập trung chính vào dòng thời trang công sở; khai thác dòng thời trang cao cấp dành cho nữ giới và thời trang nam cho giới trẻ; đồng thời mở thêm chuỗi cửa hàng bán lẻ cả online và offline. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10, đến nay, đơn vị này tự hào có 100% sản phẩm tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; có đội ngũ nghiên cứu thị trường liên tục cập nhật các xu hướng thời trang, công nghệ mới trong ngành thời trang. Riêng lĩnh vực thời trang bán lẻ trên thị trường nội địa, May 10 hiện có hơn 20 nhãn hiệu các loại như: May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra... với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý trên toàn quốc.
Thị trường trong nước với 100 triệu dân luôn tạo ra sức hút với nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài như Mango, Zara, H&M, Uniqlo... Ðiều đó cho thấy, mặc dù doanh nghiệp trong nước có lợi thế am hiểu thị trường và văn hóa tiêu dùng, nhưng nếu không có chiến lược kinh doanh bài bản sẽ khó cạnh tranh trên sân nhà. Bối cảnh này cho thấy, muốn giữ vững thị phần trong nước, các doanh nghiệp dệt may cần có chiến lược kinh doanh bài bản về giá cả cũng như mẫu mã, đặc biệt là khâu quảng bá và xây dựng chuỗi phân phối.
Khánh An/qdnd.vn