Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng được đánh giá lạc quan nhưng quy mô còn nhỏ
Tại buổi làm việc mới đây giữa đoàn công tác Chính phủ với UBND TP Đà Nẵng, đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ đã cung cấp thông tin về việc xây dựng và trình đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Quyết định 188 của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm này sẽ sớm triển khai hoạt động tại Đà Nẵng.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ, khuyến khích các trường ĐH, các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm, không gian sáng tạo, khu làm việc chung, câu lạc bộ về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đến nay, Đà Nẵng có 1 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thành phố, 2 trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường ĐH, 9 vườn ươm, 4 không gian sáng tạo…
Bà Yến cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng cơ bản đầy đủ các thành tố với những trụ cột chính là cơ quan nhà nước - viện nghiên cứu, trường ĐH, tổ chức hỗ trợ - cộng đồng DN và các chủ thể liên quan cùng tham gia tích cực vào hệ sinh thái.
Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn đưa các sinh viên đại học tham quan mô hình hoạt động của một doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP Đà Nẵng Ảnh: PHƯƠNG ĐÌNH
UBND TP Đà Nẵng giao Sở Khoa học - Công nghệ triển khai các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết mà HĐND thành phố đã ban hành. Đà Nẵng đã hỗ trợ trực tiếp 18 DN với tổng kinh phí hơn 3,4 tỉ đồng. Thành phố còn hỗ trợ các DN theo chính sách đổi mới công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ cho 46 DN với tổng kinh phí hơn 5,1 tỉ đồng.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn hỗ trợ các vườn ươm triển khai chương trình ươm tạo. Bình quân mỗi vườn đã thực hiện ươm tạo, tăng tốc cho 6-8 dự án/năm. Tính đến nay, Đà Nẵng đã phát triển được 163 dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thành lập 61 DN, trong đó có các DN phát triển mạnh, tăng trưởng nhanh, gọi vốn được hàng triệu USD như Datbike, Selly, Hekate… Hầu hết các sản phẩm của DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã bước đầu thương mại hóa, tiếp cận thị trường.
Để đầu tư về hạ tầng, Đà Nẵng đã khởi công xây dựng khu công viên phần mềm số 2. Trong đó, hình thành không gian đổi mới sáng tạo chung với tổng diện tích dự kiến hơn 21.000 m2. Nơi đây sẽ phục vụ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như ươm tạo dự án, DN; hỗ trợ và cung cấp không gian làm việc chung, địa điểm kết nối khởi nghiệp, đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp.
Chưa hiệu quả so với kỳ vọng
Bà Ngô Thị Kim Yến nhận xét dù đạt được nhiều kết quả nhưng quá trình triển khai thực hiện các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, chưa có các tập đoàn lớn tham gia, hỗ trợ, dẫn dắt và đầu tư. Các trường ĐH, viện nghiên cứu đã quan tâm đến khởi nghiệp, thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp hoặc trung tâm khởi nghiệp nhưng chủ yếu tập trung vào việc tổ chức sự kiện kết nối, đào tạo, tập huấn… Chưa có nhiều DN hình thành từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường.
Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Đà Nẵng đang phát triển rất tích cực. Song, để đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm hàng đầu của Đông Nam Á thì e rằng khó thực hiện. "Kỳ vọng đưa ra là quá lớn trong khi đầu tư thì ít mà nguồn lực chưa tới đâu" - ông Quân nhận định.
Theo ông Quân, để đáp ứng được sự phát triển, cần phải có nỗ lực, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, đầu tư nguồn lực và trách nhiệm của hệ thống chính trị. "Làm sao để lãnh đạo nhận thức được đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ là bước chiến lược rất lớn thay vì đầu tư cho phần cứng hoặc các dự án linh tinh" - ông nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn nhận định đổi mới sáng tạo là tương lai của Đà Nẵng và thành phố đã nhận thức được điều này nhưng triển khai vẫn chưa hiệu quả. Trong đó, thách thức lớn nhất là giáo dục khởi nghiệp ở địa phương chưa có nhiều thay đổi, chưa có hạt giống khởi nghiệp cho sự phát triển. Vì thế, Sở Khoa học - Công nghệ TP Đà Nẵng cần phải quan tâm nhiều hơn trong việc phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường ĐH, CĐ để thúc đẩy những chương trình giáo dục khởi nghiệp về công nghệ 4.0, giáo dục STEM…
Bên cạnh đó, bản thân đổi mới sáng tạo tạo ra sự tái cấu trúc tăng trưởng nền kinh tế rất mạnh, tạo sự gắn kết các nguồn lực cũng như chuyển đổi số cho nền kinh tế. Vì vậy, cần sự tham gia của các sở, ngành khác để hình thành những bộ phận cho đổi mới sáng tạo.
Ông Quân còn đề xuất một số giải pháp, trong đó có việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế để thu hút nguồn lực, thu hút các tập đoàn lớn. "Mức độ sôi động của hệ sinh thái ở Đà Nẵng được đánh giá lạc quan nhưng quy mô còn nhỏ nên chưa bảo đảm sự chín muồi. Dù năng động nhưng đầu tư ít quá thì không thể đi nhanh được" - ông đánh giá.
Nói về hoạt động của Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, ông Quân cho rằng "rất khó khăn". Cụ thể, thị trường miền Trung và Đà Nẵng còn ít hạt giống tài năng nên việc ươm tạo gặp khó trong việc tìm kiếm những nhân tố tốt.
"Hạt giống quá ít nên rất khó để tạo ra các tài năng doanh nhân. Hệ sinh thái ở Đà Nẵng và cả miền Trung đang trong giai đoạn vừa chứ chưa quá phát triển nên thiếu mạng lưới các nhà đầu tư, thiếu những DN hiểu biết về đổi mới sáng tạo" - ông Quân băn khoăn.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/hinh-thanh-trung-tam-khoi-nghiep-o-mien-trung-2023071621273044.htm