Ở Sơn La có những nông dân được coi là “giáo viên”, họ là những nông dân giỏi, thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế, có uy tín với cộng đồng. Là người địa phương, có kinh nghiệm trong sản xuất, nên họ có thể truyền đạt cho bà con bằng chính tiếng dân tộc của mình. Cộng với lòng nhiệt tình, am hiểu phong tục tập quán, họ đã truyền đạt cho bà con, giúp cho nhiều nông dân có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.
Ông Tráng A Cao, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cam Đường Canh cho người dân trong xã.
Nông dân Sơn La chiếm hơn 80% dân số toàn tỉnh, số hộ hội viên nông dân chiếm hơn 78% so với số hộ nông nghiệp.
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, năm 2019, toàn tỉnh có hơn 20.000 hộ đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp, chỉ chiếm gần 25% so với tổng số hội viên mà hội nông dân các cấp trong tỉnh đang phụ trách, đây là con số quá nhỏ.
Trước thực trạng đó và nắm bắt thời cơ Trung ương hội Nông dân Việt Nam triển khai mô hình đào tạo nghề cho nông dân với cách làm "Nông dân dạy nông dân", năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã họp bàn và mở các lớp đào tạo nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trở thành tập huấn viên trong phát triển kinh tế tại 12 huyện, thành phố.
Nông dân thành tập huấn viên
Tại các lớp tập huấn đào tạo nghề cho nông dân với cách làm "Nông dân dạy nông dân" ở Sơn La, đã chuyển giao cho nông dân những tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch những nông sản chủ lực của địa phương, là việc làm thiết thực nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân.
Để lớp học thành công được nhân rộng, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã phối hợp với những đơn vị có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học trong trồng, chăm sóc cây ăn quả để lên lớp chuyển giao kỹ thuật cho hội viên nông dân.
Tổ chức tập huấn về sàn thương mại điện tử cho nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. |
Các lớp học còn tổ chức đi thực tế, đến cả những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nghiên cứu, học tập. Sau lớp tập huấn, trở về địa phương, 50 nông dân thành lập huấn viên đã tích cực đi trước, làm trước và tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo... Đây là ưu điểm nổi bật của mô hình "Nông dân dạy nông dân”.
Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Để việc học đi đôi với hành thuận lợi, giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn vốn và vật tư phục vụ sản xuất, 5 năm qua, Hội đã phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho 42.117 hộ vay vốn, với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng. Công tác quản lý, cho vay đúng quy định, các hộ được hỗ trợ vay vốn sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Tráng A Cao, dân tộc H’Mông, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, là 1 trong 50 học viên tham gia lớp tập huấn khóa “Nông dân dạy nông dân” đầu tiên, cho biết: Trước đây, ông chỉ làm nông nghiệp theo kinh nghiệm tự học, nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tham gia lớp tập huấn, ông đã dùng số vốn 50 triệu đồng của gia đình, cộng với vay mượn thêm hơn 200 triệu đồng cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới và chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng trên 1.000 cây chanh tứ quý. Sau đó, ông chuyển sang trồng cam Vinh, cam Đường Canh, quýt ngọt và hồng giòn, với thu nhập trên 500 triệu đồng.
“Lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng thêm dâu tây và các loại rau màu trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động cho cây ăn quả.
Hướng dẫn trực tiếp người dân tại vườn cách quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội. |
Phát huy vai trò tập huấn viên, không chỉ tiên phong thay đổi tập quán canh tác cũ, ông Tráng A Cao còn cùng cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân chuyển đổi trồng ngô sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Ông đã truyền đạt lại cho dân bản những kinh nghiệm đã học được để áp dụng vào trồng cây ăn quả trên đất dốc.
Giờ đây, 7 nông dân trong xã cùng ông thành lập Hợp tác xã nông nghiệp A Cao chuyên trồng cây ăn quả với hơn 20ha do chính ông làm giám đốc, có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm/thành viên.
Mô hình “Nông dân dạy nông dân”, đã góp phần đưa bản Hua Tạt trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện Vân Hồ. Huyện đã có gần 80ha cây ăn quả, hơn 50ha trồng rau màu và chăn nuôi hơn 1.600 con gia súc các loại. Cả bản giờ chỉ còn 2 hộ nghèo đang được tiếp tục giúp đỡ để thoát nghèo trong năm nay.
Nhân rộng cách làm
Với cách làm cầm tay chỉ việc, vừa học vừa làm, đặc biệt là lấy “nông dân dạy nghề cho nông dân”, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã đạt nhiều kết quả. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.
Ông Trần Bá Cường, Tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, cũng là một trong những học viên khóa đầu tiên của mô hình “Nông dân dạy nông dân”.
Hiện nay, gia đình ông trồng 3,5ha na Thái, 1,5ha xoài, 1ha nhãn. Hằng năm, cho thu hoạch hơn 40 tấn na, 11 tấn xoài, 8 tấn nhãn và 1,5 tấn thanh long ruột đỏ, trừ chi phí đầu tư mỗi năm thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Trần Bá Cường cho biết: Một mình làm giàu không vui bằng cả xã mình cùng làm giàu, nên là người đi trước, có kinh nghiệm hơn, tôi luôn hướng dẫn bà con việc cắt cây, tỉa cành, bón phân theo kỳ, rồi chăm sóc quả, thậm chí cả kết nối đầu ra cho sản phẩm… Không những thế, các hộ cũng chủ động hỗ trợ nhau từ ngày công, cây giống, chăm sóc để các vườn cây ăn quả đạt năng suất cao nhất.
Phối hợp với Bưu điện tỉnh Sơn La hướng dẫn nông dân tạo gian hàng giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Portmart. |
Mô hình “Nông dân dạy nông dân” ở Sơn La đang phát huy hiệu quả, tạo bước chuyển biến rõ nét khu vực kinh tế nông thôn. Dựa vào tiềm năng, thế mạnh của từng cơ sở, người nông dân đã sáng tạo, vận dụng một cách linh hoạt các mô hình canh tác, để cùng nhau vươn lên cho 30 học viên, gắn học lý thuyết với thực hành tại mô hình sản xuất. Đồng thời, phấn đấu tổ chức, phối hợp tổ chức dạy nghề cho 12.900 hội viên, nông dân; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.700 lượt hội viên nông dân.
Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Sơn La, thông tin thêm: Tiếp tục nhân rộng mô hình “Nông dân dạy nông dân”, giờ đây không chỉ bó hẹp trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mà thích ứng với nông nghiệp số. Hội đang đồng hành với nông dân tích cực chuyển đổi số trong các khâu từ chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân huyện Yên Châu được hướng dẫn cách đóng gói sản phẩm giao dịch qua sàn thương mại điện tử Portmart. |
Bằng cách nông dân dạy lại nông dân, đến nay, tỉnh Sơn La có gần 20.000 hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn và Voso.vn; hỗ trợ 26 hợp tác xã đưa 108 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương lên sàn Postmart.vn; xây dựng chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua thực tế triển khai cho thấy mô hình "Nông dân dạy nông dân" ở Sơn La đã thôi thúc, lôi cuốn, khích lệ hàng nghìn hộ thi đua sản xuất. Sau 3 năm triển khai, đến nay tỉnh Sơn La đã có 53.360 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ đây, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, là tấm gương sáng của tinh thần vượt khó, quyết chí làm giàu cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên, góp phần đưa ngành nông nghiệp Sơn La phát triển bền vững, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu, đẹp.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/hieu-qua-mo-hinh-nong-dan-day-nong-dan-o-son-la-post762597.html