Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho nhiều gia đình. Hiện nay, đang bước vào mùa mưa bão, dự báo thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, do vậy, ngành chức năng và người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn trong nuôi trồng thủy sản.
Người dân xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn tiến hành khử khuẩn môi trường ao nuôi cá
Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vào tháng 5/2022, nhiều hộ nuôi cá tại Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Lân Vực, thôn Bản Roọng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn bị ảnh hưởng, gây thiệt hại trên 30 triệu đồng. Rút kinh nghiệm năm trước, ngay từ khi bắt đầu bước vào mùa mưa bão năm nay, các thành viên HTX đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi cá. Ông Phùng Văn Quyển, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập từ năm 2020 với 8 thành viên nuôi cá trên diện tích 24.000 m2. Để bảo đảm an toàn cho ao nuôi vào mùa mưa bão, ngay từ đầu mùa mưa năm nay chúng tôi đã chủ động xây dựng, nâng bờ lên cao và gia cố thêm các điểm xung yếu cho chắc chắn, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp thu hoạch, bảo vệ kịp thời, tránh thất thoát cá trong ao ra ngoài.
Không chỉ HTX Thủy sản Lân Vực, hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Sơn có khoảng 167 ha nuôi thủy sản, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2023, các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã chủ động kiểm tra lại diện tích bờ bao, các điểm có nguy cơ bị ngập lụt để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Ông Hoàng Văn Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm 2022, do ảnh hưởng của mưa lũ đã gây thiệt hại trên 35 ha diện tích thủy sản trên địa bàn huyện, giá trị kinh tế trên 180 triệu đồng. Do đó, bước vào mùa mưa bão năm 2023, cơ quan chuyên môn huyện Bắc Sơn đã tiến hành rà soát các vùng có nguy cơ bị ngập úng tại các ao nuôi, hồ nuôi cá để chủ động triển khai biện pháp bảo vệ; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp, nhân viên thú y xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tuyên truyền lồng ghép được 10 cuộc để bà con có thêm kiến thức bảo vệ nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão.
Còn tại huyện Văn Quan, đây là một trong những địa bàn phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên sông với 200 lồng, tuy vậy, việc nuôi cá lồng có nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão vì nguy cơ vỡ lồng, nước sông ô nhiễm mỗi khi nước thượng nguồn đổ về. Ông Chu Văn Vượng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm 2022, do ảnh hưởng của mưa lớn vào tháng 5 đã gây thiệt hại 148 lồng cá của người dân. Do vậy, năm 2023, để bảo vệ các lồng cá khi mùa mưa bão đến, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có văn bản gửi đến các xã, thị trấn, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn đến các hộ nuôi cá lồng chuyển từ lồng lưới quây sang lồng phao nổi. Đồng thời, chúng tôi cảnh báo người dân cần bố trí, sắp xếp vị trí lồng cá, không để lồng cá ở các nơi nước lũ chảy xiết; gia cố lại trụ cột, thay mới những tấm lưới cũ, rách… Đặc biệt, trong mùa mưa bão, thời tiết thay đổi, nên phải tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh trục vớt cá chết, bảo đảm môi trường sống tốt cho cá, tránh dịch bệnh phát sinh. Bên cạnh đó, các trưởng thôn, khu phố tại 4 xã có cá lồng trên địa bàn huyện đã chủ động tuyên truyền cho các hộ nuôi cá lồng qua nhóm zalo, tuyên truyền trực tiếp được 9 cuộc cho 902 người tham dự hướng dẫn cho người dân các biện pháp bảo đảm an toàn nuôi cá lồng mùa mưa bão.
Không chỉ hai huyện trên, hiện nay, các hộ nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh đều đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Bên cạnh sự chủ động của người dân, ngành chức năng tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp.
Ông Vũ Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.200 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 581 lồng cá, tập trung ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định. Để chủ động ứng phó cũng như hạn chế thấp nhất rủi ro cho các hộ nuôi thủy sản mùa mưa lũ, trước mùa mưa bão, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã có công văn gửi trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện về thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão, từ đó, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện có văn bản gửi đến các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo cán bộ chuyên môn tại các huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát ao nuôi, lồng nuôi có nguy cơ xảy ra ngập lụt để tuyên truyền bà con thực hiện biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản.
Để góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản cho các đối tượng là khuyến nông viên, cộng tác viên, người dân nuôi trồng thủy sản, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã tổ chức được 3 lớp. Bên cạnh đó, trung tâm cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi cá cần chú ý vệ sinh môi trường nước, vào thời điểm mưa lũ cần bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; đối với cá lồng, cần di chuyển lồng cá vào vị trí an toàn; chuẩn bị máy sục để tạo oxy trong trường hợp cần thiết. Người dân cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, tránh kịp thời, thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm trước khi mưa lũ xảy ra tại những khu vực xung yếu, hay ngập lụt…
Với sự tích cực tuyên truyền của các cấp chính quyền, ngành chức năng và sự chủ động của người dân, hy vọng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ được bảo vệ, phát triển ổn định. Từ đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân trước diễn biến phức tạp của thời tiết.
TÂN AN
https://baolangson.vn/kinh-te/597530-bao-dam-an-toan-nuoi-trong-thuy-san-trong-mua-mua-bao.html