Ngành nông nghiệp nước ta đã đón nhận những tín hiệu đáng mừng khi xuất khẩu gạo của trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng vọt về cả khối lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Tận dụng thời cơ cùng với những dự báo về khả năng giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang tích cực đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán hàng mới.
Ảnh minh họa.
Kể từ đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã liên tục tăng mạnh. Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam trong tuần vừa rồi vẫn tiếp tục tăng và được giao dịch ở mức 528 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo tiêu chuẩn loại 25% tấm cũng tăng lên mức 508 USD/tấn. Đây là vùng giá cao nhất trong 10 năm qua của gạo nước ta, thậm chí có lúc còn vượt qua giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ.
Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy, chỉ số giá gạo thế giới hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. Trong nửa đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam đã tăng hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái, theo diễn biến chung trên toàn thế giới.
Xuất khẩu gạo đã mang về 2,3 tỷ USD cho nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng gần 35% so cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ về giá trị, khối lượng cũng đạt mức tăng trưởng 22%, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây cũng là mặt hàng mang lại những kỳ vọng lạc quan về xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát tăng cao đặt ra nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu.
Hiện tượng thời tiết El Nino quay trở lại trong năm nay sau 3 năm liên tiếp xuất hiện La Nina đang khiến nhiều quốc gia “ngồi trên đống lửa”. Khác với các loại nông sản khác như: ngô và lúa mì, sản lượng gạo toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi El Nino, khi cả ba nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất là: Việt Nam, Thái Lan, và Ấn Độ đều ít nhiều chịu tác động.
Ấn Độ có thể thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo
Tại Ấn Độ, mưa gió mùa được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế, cung cấp 70% lượng nước tưới tiêu cho các nông trại. Tính đến ngày 14/7, nông dân đã gieo trồng 12,3ha lúa vụ hè, giảm 6,1% so cùng kỳ năm ngoái do đợt mưa gió mùa đến muộn nhất trong 4 năm qua. Sự phân bố không đồng đều trong năm nay đã tạo ra những rủi ro mới với cây trồng. Một số bang ở phía bắc và tây bắc Ấn Độ nhận được mưa quá lớn, trong khi khu vực phía nam và đông hoàn toàn khô ráo.
Theo dữ liệu từ Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), chỉ một phần ba nước này tính đến nay nhận được lượng mưa ở mức bình thường. Trong khi đó, khoảng 34% diện tích có lượng mưa thiếu hụt và 32% lượng mưa quá mức. Tại một số bang, lượng mưa lớn đã làm hư hại cây trồng, khiến nhiều nông dân có thể phải gieo trồng lại.
Theo hãng tin Bloomberg, lo ngại về nguồn cung cùng với việc giá lương thực nội địa tăng cao đang khiến Chính phủ Ấn Độ cân nhắc việc cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo của nước này. Là quốc gia chiếm đứng đầu về thương mại gạo toàn cầu, quyết định của Ấn Độ nếu xảy ra sẽ không chỉ khiến giá tiếp tục tăng mà còn tạo ra khoảng trống thị trường tiềm năng cho Việt Nam và Thái Lan.
Tình hình sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi El Nino
Đối với Việt Nam, triển vọng nguồn cung cũng không quá tích cực. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam dự đoán 70-80% khả năng mô hình El Nino sẽ phát triển vào giữa năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. Dựa trên ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, khoảng 10 đến 15 nghìn ha diện tích vụ thu của nước ta có thể đối mặt với nguy cơ khô hạn, khan hiếm nước, xâm nhập mặn.
Trong báo cáo mới nhất, chi nhánh của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại Hà Nội đã dự báo sản lượng gạo thô niên vụ 2023/24 của nước ta sẽ giảm nhẹ xuống còn 43,04 triệu tấn, từ mức 43,15 triệu tấn trong niên vụ trước do ảnh hưởng của El Nino đối với cây trồng.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin hàng hóa Việt nam, cho biết: “Trong thời điểm hiện tại, nguồn cung vẫn là mối lo ngại hàng đầu của thị trường. Động lực tăng của giá gạo trong năm nay sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính phủ Ấn Độ, và ảnh hưởng của mô hình thời tiết El Nino tới các nước sản xuất lớn. Bên cạnh đó, tình hình chính trị thế giới bất ổn cũng là yếu tố khó lường và có thể chuyển dịch cơ cấu thương mại toàn cầu”.
Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt
Để đối phó El Nino, nhiều quốc gia như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các nước châu Phi đã đẩy mạnh dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực. Chẳng hạn, cuối tháng 3, Indonesia dự kiến nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2023 nhằm nâng dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như hiện nay.
Mới đây, Malaysia cũng công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 150.000 tấn gạo do nhu cầu năm nay dự báo sẽ cao hơn năm ngoái. Một số quốc gia ở châu Á và châu Phi có thể sớm phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng khi giá tiếp tục tăng mạnh.
Bối cảnh tồn kho thế giới giảm xuống và sản xuất vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro, trong khi nhu cầu tiêu thụ không ngừng tăng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt thúc đẩy xuất khẩu từ giờ đến cuối năm nay. Trong nửa đầu năm, nước ta chủ yếu xuất khẩu gạo sang Philippines, chiếm 40,1% tổng xuất khẩu gạo cả nước. Tiếp sau đó là Trung Quốc với 16% và Indonesia với 12%.
Cùng với việc củng cố ba thị trường xuất khẩu truyền thống trọng điểm trên, nước ta cũng tiếp tục phát triển các thị trường xuất khẩu mới tiềm năng. Gần đây, Việt Nam đã tiếp cận và ký kết được đơn hàng xuất khẩu hơn 16.600 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc, thị trường được đánh giá là khó tính với những tiêu chuẩn và yêu cầu cao.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang mở rộng sang các thị trường có giá trị cao như: EU, Mỹ, Australia. Bên cạnh mức giá hấp dẫn, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA). Đặc biệt, EU là thị trường cao cấp nhưng vấn đề về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật luôn là rào cản lớn nhất để vào được thị trường này.
“Với tình hình các nước ráo riết tích trữ gạo, cùng với những tình hình xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen lại một lần nữa bị đóng băng sau khi kết thúc thỏa thuận, giá gạo dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong vài tháng tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần bảo đảm nguồn cung để có thể phục vụ cho những đơn hàng đã ký kết và tận dụng các chương trình Xúc tiến thương mại để có thể mở rộng thị phần, củng cố vị thế hàng đầu của gạo Việt trong giai đoạn này”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/gia-gao-viet-tang-cao-nganh-nong-nghiep-tan-dung-co-hoi-xuat-khau-post763143.html