Chiều 25/7, Sở Công Thương tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có đại diện gần 30 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Công thương chủ trì hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 114 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phân bố khắp các huyện, thị trấn và thành phố. Trong hệ thống 114 cửa hàng bán lẻ xăng dầu có 38 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống Chi nhánh xăng dầu Lạng Sơn (chiếm 33,33%).
Về cơ bản, cơ sở vật chất của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, hiện Lạng Sơn chưa có kho xăng dầu dự trữ, kho dầu khí dự trữ, chỉ tồn tại các kho dự trữ lưu thông (bể chứa) xăng dầu thuộc hệ thống các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh chủ yếu cung cấp cho các phương tiện giao thông, phương tiện sản xuất nông nghiệp và phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, tổng sản lượng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 65.000m3 xăng, dầu các loại.
Việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua tương đối ổn định. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cơ bản tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nêu một số ý kiến, kiến nghị tại hội nghị đối thoại với Sở Công thương
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có những trao đổi với với ngành công thương tỉnh về những khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua. Cùng đó, các doanh nghiệp nêu một số ý kiến liên quan đến việc điều chỉnh giá xăng dầu, thời gian điều chỉnh giá, mức chiết khấu cho các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu…
Qua trao đổi, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa tỉnh đã nỗ lực khắc phục, giúp thị trường xăng, dầu ở tỉnh luôn đảm bảo, cung ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Đồng thời lãnh đạo Sở Công Thương cũng thông tin thêm: Để tránh ảnh hưởng lớn đến người dân cũng như của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, từ đầu năm 2023 đến nay, Nhà nước đã nỗ lực thực hiện các giải pháp điều tiết quỹ bình ổn linh hoạt để ổn định giá mặt hàng chiến lược này. Đặc biệt, Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền đang nghiên cứu để điều chỉnh mức bình ổn giá, cũng như điều chỉnh mức chiết khấu cho các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xăng dầu sát hơn với thực tiễn.
Đối với những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, lãnh đạo Sở Công Thương đã trả lời và giải đáp trực tiếp; những ý kiến, kiến nghị vượt thẩm quyền, lãnh đạo Sở Công Thương ghi nhận, tiếp thu để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Theo baolangson.vn