Đề xuất của Bộ Tài chính về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm thuốc lá mới đang nhận được nhiều ý kiến từ các cơ quan ban ngành liên quan cũng như chuyên gia trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm”.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế của các mặt hàng mới ra đời, việc cập nhật, sửa đổi bổ sung Luật Thuế TTĐB được đánh giá là cần thiết.
Tuy nhiên, việc đề xuất áp thuế TTĐB lên các sản phẩm vẫn chưa được đưa vào quản lý dưới luật như thuốc lá mới trong giai đoạn này liệu có đúng thời điểm? Có ý kiến cho rằng nếu bổ sung thuế TTĐB cho thuốc lá mới trong thời điểm này sẽ gây nhầm lẫn cho rằng, sản phẩm sẽ được hợp pháp hóa, trong khi trên thực tế Bộ Y tế vẫn chưa thay đổi đề xuất cấm các mặt hàng này.
Đến nay, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ nguyên quan điểm trong việc đề xuất quản lý thuốc lá mới dưới Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành.
Cần sẵn sàng để không phải sửa luật
Về mặt tích cực, nếu dự thảo của Bộ Tài chính được thông qua, việc tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá sẽ được định hướng rõ ràng hơn. Việc tăng thuế sẽ làm cho giá tăng, dẫn đến việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá giảm; đồng thời, tăng thuế cũng giúp tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thuốc lá mới chưa được phép nhập khẩu, sản xuất, lưu hành, thì việc đề xuất áp thuế TTĐB lên sản phẩm trong bối cảnh hiện nay liệu có có ý nghĩa về mặt pháp lý?
Chia sẻ thêm về vấn đề này, tại Hội thảo "Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm" ngày 5/7 vừa qua, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, để ban hành một luật thuế thì thời gian và công sức trình các cấp thẩm quyền là rất lâu. Vì vậy, nếu bây giờ không chuẩn bị trước thì khi có văn bản quy định quản lý sản phẩm này thì sẽ phải sửa lại luật thuế lần nữa.
Theo ông Hải, dự kiến sẽ đưa vào Luật thuế TTĐB và thu thuế đối với thuốc lá mới, nhưng điều khoản ấy sẽ chỉ có hiệu lực sau khi các sản phẩm này chính thức được hợp pháp hóa cho lưu hành.
Hiện, Dự thảo Luật thuế TTĐB của Bộ Tài chính cũng nêu rõ: “Bổ sung quy định cụ thể tại Điều 11 khi các sản phẩm mới có hại cho sức khỏe (TLM) được phép nhập khẩu, sản xuất, lưu hành thì áp dụng thuế TTĐB theo quy định tại Luật này”.
Cũng tại Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính đã trình bày quan điểm dưới góc nhìn về thuế đối với các thuốc lá mới.
Theo đó, vì thuốc lá làm nóng (một loại thuốc lá mới) có nguyên liệu là thuốc lá, nên cần đưa vào diện kiểm soát theo luật hiện hành. Khi đó, việc áp thuế TTĐB là cần thiết.
Bà Cúc nhấn mạnh: "Chúng tôi đồng ý đưa các sản phẩm thuốc lá mới như là thuốc lá làm nóng vào diện quản lý giống như thuốc lá, để nộp thuế như thuốc lá, đồng thời bảo đảm tất cả các chính sách liên quan sẽ được đồng bộ”.
Còn ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các biện pháp kiểm soát thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) cần được thực thi song song với việc áp dụng chính sách thuế như đối với mặt hàng thuốc lá thông thường. Điều này hướng tới đảm bảo tăng giá bán, giảm sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Áp thuế cần đi kèm tăng xử phạt
Đến nay, đề nghị áp thuế TTĐB lên thuốc lá mới của Bộ Tài chính nhận hiện đón nhận nhiều ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Carmelo Ferlito, thành viên cấp cao Viện Dân chủ và Kinh tế IDEAS (Malaysia), CEO của Trung tâm Nghiên cứu Thị trường (CME) nhấn mạnh, để kiểm soát hiệu quả ngành công nghiệp thuốc lá mới, cần thiết lập một hành lang pháp lý thúc đẩy chính sách, trong đó thuế chiếm một vai trò quan trọng.
Ông Ferlito cũng cho rằng chính sách thuế áp dụng cho các sản phẩm thuốc lá mới cần được kết hợp với chiến lược giảm tác hại. Điều này bao gồm việc áp dụng các mức thuế phù hợp cho từng sản phẩm dựa trên mức độ nguy hại mà chúng gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người.
Theo đó, các sản phẩm thuốc lá mới đã được chứng minh là giảm tác hại so với thuốc lá điếu thông thường thì nên được hưởng ưu đãi về thuế để giúp người hút thuốc lá chuyển đổi vì lợi ích sức khỏe.
Còn trong hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi)” ngày 5/7 do Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu tiếp tục tăng thuế sẽ khiến giá bán các mặt hàng bị đánh thuế sẽ cao hơn. Việc này vô hình trung sẽ đẩy người tiêu dùng về phía các mặt hàng lậu, kém chất lượng ngày càng nhiều.
Quang cảnh Hội thảo. |
Chia sẻ về vấn đề này, bà Cúc cho rằng: "Dù có đánh thuế cao thì người ta vẫn hút thuốc lá, nhưng nếu bị kiểm soát, hay phạt nặng việc vi phạm các điều luật về hút thuốc, có thể nhiều người sẽ bỏ luôn thuốc lá. Vì vậy, chúng ta cần kiểm soát nghiêm ngặt từ vấn đề về sức khỏe đến buôn lậu, sản xuất, nhập khẩu và chính sách thuế TTĐB, cũng như chính sách phạt hành chính các hành vi vi phạm... nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả”.
Thế nên, theo nhiều chuyên gia các chính sách kiểm soát thuốc lá cần phải được đồng bộ và thống nhất từ các bộ ban ngành, không chỉ tập trung vào thuế.
Theo nhandan.vn