Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cho thấy có sự tăng trưởng so với tháng trước và cùng kỳ; tổng mức bán lẻ tăng lần lượt 1,1% và 7,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 49 địa phương
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay (29/7) cho thấy, trong tháng 7, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, tính chung 7 tháng, IIP vẫn ghi nhận giảm khoảng 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm đầu tháng 7 tăng nhẹ so với tháng trước (Ảnh: Mạnh Quân).
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 1,2%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/7 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,9% so với cùng thời điểm năm trước.
13.700 doanh nghiệp thành lập mới
Cũng trong tháng 7, cả nước có 13.700 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 7.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đồng thời, có 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% và tăng 30,3%; có 5.257 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,6% và tăng 19%; có 1.581 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,7% và giảm 10,5%.
Tính chung 7 tháng, cả nước có 131.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113.300 doanh nghiệp, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 58.500 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 (bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 cũng tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 512.200 tỷ đồng.
Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng tăng nhẹ 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD, dù mức này vẫn giảm 3,5% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%. Bình quân 7 tháng, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%.
Theo dantri.com.vn