BVSC, VNDIRECT dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay được cải thiện, trong khi Chứng khoán Everest cho rằng chỉ số này giảm từ 12% xuống 10%.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán Everest ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm ngoái tăng khoảng 12%. Tăng trưởng lợi nhuận năm nay dự kiến đi xuống, chỉ còn 10% nhưng vẫn có thể xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh siết chặt tín dụng, lãi suất cao và ngành sản xuất đang ở giai đoạn đầu tư.
Ở chiều ngược lại, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay xấp xỉ 14%, cao hơn mức dự kiến 9,5% của năm trước. Bộ khung cho dự báo này là nhóm ngân hàng tăng trưởng trên 20% và lợi nhuận các nhóm ngành phi tài chính khác như thép, bán lẻ, công nghệ thông tin tăng trưởng nhanh hơn trung bình thị trường nhờ những doanh nghiệp đầu ngành như Hoà Phát, Thế Giới Di Động, FPT.
Đồng quan điểm này, Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect cho rằng tăng trưởng lợi nhuận sẽ về hai chữ số sau khi bị ngắt quãng trong năm trước. Ước tính lợi nhuận sau thuế của 50 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất thị trường lên đến 21,7%.
Với góc nhìn thận trọng hơn, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset ước tính lợi nhuận năm nay sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 9,5%. Con số này được đưa ra trên cơ sở tăng trưởng kinh tế cả nước duy trì ở mức cao, cộng thêm chi phí nguyên liệu đầu vào biến động không đáng kể.
Nhận định trái chiều về diễn biến lợi nhuận nhưng hầu hết công ty chứng khoán lại cùng quan điểm khi phân tích các nhóm ngành hỗ trợ tăng trưởng.
Cụ thể, nhóm ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực sau hai năm tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Ba ngân hàng cổ phần lớn nhất gồm Vietcombank, BIDV và Vietinbank ước tính chiếm khoảng 50% lợi nhuận sau thuế của các nhà băng đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong khi đó, nới lỏng chính sách đầu tư tại các trung tâm kinh tế như TP HCM, Hà Nội có thể hỗ trợ cho nhóm ngành bất động sản và xây dựng. Tuy nhiên, tác động nhiều khả năng không lớn bởi việc hạn chế tín dụng vẫn là bóng đen bao phủ các ngành này, dẫn đến dòng tiền hạn chế và lực cầu thị trường giảm sút. Một số dự án sau nhiều năm vẫn "án binh bất động" vì vướng mắc pháp lý cũng là tác nhân khiến niềm tin vào bất động sản vơi dần, đưa dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào những tài sản trú ẩn an toàn hơn.
Phương Đông/vnexpress.net