Các tổ chức quốc tế đã có sự điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên ở trong nước, nếu không nỗ lực cải cách, duy trì môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, Việt Nam sẽ khó đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.
Ông Nguyễn Anh Dương.
Phóng viên: Từ diễn biến tình hình kinh tế 7 tháng vừa qua có thể nhận thấy năm 2023 Việt Nam rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như kế hoạch đề ra. Theo ông, đâu là các yếu tố chính tác động đến tăng trưởng trong nửa cuối năm?
Ông Nguyễn Anh Dương: “Nhanh” và “khó lường” là những đặc tính thường được nhấn mạnh trong các báo cáo nghiên cứu về diễn biến kinh tế thế giới trong thời gian gần đây. Dù vậy, kinh tế toàn cầu đã có một số chuyển biến.
Xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vẫn hiện hữu nhưng không còn là chủ đạo, thậm chí đã có sự đảo chiều trong điều hành lãi suất ở một số nước. Các tổ chức quốc tế đã có sự điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 25/7 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 3%, và giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 3% năm 2024. Các thảo luận chính sách, đánh giá đều cho thấy bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay có cả nguy và cơ. Cơ hội vẫn có không ít, song chỉ dành cho những ai sẵn sàng, “dám” và “biết” nắm bắt.
Về tình hình trong nước, kinh tế vĩ mô tháng 7 và bảy tháng cơ bản ổn định; lạm phát thấp; tỷ giá tương đối ổn định. Quan trọng hơn, kỳ vọng lạm phát cũng như niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với mặt bằng giá đã có cải thiện đáng kể so đầu năm. Chính ở đây, đầu tư sản xuất kinh doanh ở Việt Nam sẽ có được lợi thế đáng kể trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện n-y.
CIEM đã cập nhật dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023:
Kịch bản 1: Trong điều kiện các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Theo đó, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,34%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,43%.
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới nhưng ở trong nước thực hiện nới lỏng tiền tệ và tài khóa mạnh mẽ hơn. Theo đó, tăng trưởng GDP đạt 5,72%, CPI bình quân tăng 3,87%.
Kịch bản 3: Giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới chuyển biến tích cực hơn, cùng sự quyết liệt trong cải cách, điều hành của Chính phủ về giải ngân đầu tư công, giải ngân và hấp thụ tín dụng, qua đó cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. Khi ấy, tăng trưởng GDP có thể đạt tới 6,46%, CPI bình quân tăng ở mức 4,39%.
Thông điệp quan trọng ở đây là, để đạt mức tăng trưởng tích cực, trước hết Việt Nam phải nỗ lực “hết mình” để cải cách, điều hành chính sách và duy trì một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần một chút “may mắn” từ chuyển biến kinh tế thế giới.
Nếu chỉ có một trong hai yếu tố nói trên, chẳng hạn kinh tế thế giới diễn biến tích cực hơn nhưng nỗ lực cải cách thể chế kinh tế trong nước chậm thì kết quả sẽ không được như kỳ vọng.
Phóng viên: Xét tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP cho thấy có sự đồng điệu. Tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng GDP. Cần làm gì để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Dương: Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng năm 2023 với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đầu năm thấp hơn kịch bản đề ra, các nguồn vốn trong nền kinh tế khó khăn.
Tại thời điểm cuối tháng 7, lãi suất cho vay trung bình của các giao dịch phát sinh mới đã giảm về mức 8,7%/năm, tương đối thấp so giai đoạn trước. Kết quả này có phần quan trọng nhờ nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn còn tương đối khó khăn. Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6/2023 so tháng 12/2022 chỉ đạt 4,73%, và tính đến thời điểm ngày 27/7, mức tăng trưởng tín dụng chỉ xấp xỉ một nửa so cùng kỳ năm 2022.
Rõ ràng, vấn đề cần quan tâm không chỉ là nỗ lực phối hợp, điều hành giảm lãi suất, mà quan trọng hơn là cải thiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Để tăng khả năng hấp thụ vốn phụ thuộc vào nhận thức về tài chính, về cơ hội kinh doanh và sự mạnh dạn đầu tư ngay cả trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Nếu các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn thận trọng khi nhận định thị trường và đánh giá cơ hội kinh doanh, thì vòng quay của đồng tiền sẽ chậm đi đáng kể.
Yếu tố thứ hai liên quan đến khả năng hấp thụ vốn là đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp. Dự báo hoạt động xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường trong nước với quy mô dân số lên tới 100 triệu dân cũng là cơ hội đáng để doanh nghiệp quan tâm.
Bên cạnh đó, những quy định về chính sách pháp luật chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn được nhận diện trong thời gian qua cần được sửa đổi, tháo gỡ kịp thời.
Phóng viên: Để đạt được kết quả tăng trưởng tích cực, CIEM có kiến nghị giải pháp gì đối với công tác điều hành của Chính phủ, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Dương: Tôi cho rằng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn vẫn là một nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trên cơ sở đó, cần quyết liệt hơn trong tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Điểm quan trọng là triển khai nhanh, quyết liệt với những giải pháp cụ thể, hướng tới tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, như cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, cải thiện khả năng tiếp cận vốn và khả năng hấp thụ vốn…
Trong những tham mưu chính sách, CIEM vẫn tư duy theo hướng tạo không gian đủ rộng để doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể triển khai các mô hình kinh tế mới. Chẳng hạn, chúng tôi đang đề xuất xây dựng cơ chế thí điểm trong các ngành có thể sớm tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, cần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN. Cụ thể là đơn giản hóa thủ tục cấp C/O, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng sáng tạo và cạnh tranh.
Thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh mới cũng là một định hướng quan trọng. Các kiến nghị giải pháp cụ thể bao gồm cân nhắc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực; thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài; đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo nhandan.vn