Sau khoảng 3 tháng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát và lây lan ra diện rộng (tính từ ngày 11/5 đến nay), mặc dù các ngành chức năng, chính quyền các cấp đã triển khai các giải pháp khống chế, nhưng đến ngày 14/8/2023, trên địa bàn tỉnh vẫn có 7 huyện có ổ bệnh chưa qua 21 ngày và quan ngại nhất là các ổ bệnh mới vẫn tiếp tục tái phát. Nguyên nhân chính khiến việc ngăn bệnh DTLCP gặp khó khăn chủ yếu là do người chăn nuôi vẫn chưa chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Cán bộ thú y phun khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn tại xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình
Theo bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình, với việc triển khai các giải pháp khống chế, một số ổ bệnh DTLCP tại xã Sàn Viên, thị trấn Na Dương, xã Minh Hiệp đã cơ bản ổn định. Tuy vậy, đến thời điểm này, một số xã vẫn chưa thể khống chế và tiếp tục phát sinh ổ bệnh mới. Nguyên nhân là người chăn nuôi mặc dù đã được tuyên truyền, khuyến cáo nhưng vẫn tiếp tục mua con giống mang mầm bệnh về để tái đàn; chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Điển hình như ngày 14/8, trên địa bàn huyện tiếp tục phát sinh ổ bệnh DTLCP mới tại xã Lợi Bác, nguyên nhân là người dân mua lợn giống mang mầm bệnh về nuôi khiến lây nhiễm sang đàn nuôi cũ.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình, từ ngày 11/5/2023 đến hết ngày 14/8/2023, ổ bệnh DTLCP đã xuất hiện và bùng phát tại 29 thôn trên địa bàn10 xã của huyện, trong đó 5 xã có ổ bệnh chưa qua 21 ngày và chỉ tính từ đầu tháng 8/2023 đến ngày 14/8/2023, tiếp tục phát sinh 4 ổ bệnh DTLCP mới tại các xã Khuất Xá, Lợi Bác, Yên Khoái và Thống Nhất.
Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 11/5/2023 đến hết ngày 14/8/2023, trong 8 huyện tái phát các ổ bệnh DTLCP thì vẫn còn 7 huyện (Bình Gia, Cao Lộc, Hữu Lũng, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan) có ổ bệnh chưa qua 21 ngày.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Qua kiểm tra thực tế của chi cục tại các huyện tái phát bệnh DTLCP thấy rằng, ý thức phòng, chống dịch của các hộ chăn nuôi chưa cao và chưa chủ động phòng, chống bệnh dịch cho đàn lợn của gia đình.
Đơn cử như tại xã Khuất Xá, đây là 1 trong 2 xã mà Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình đã ban hành quyết định công bố DTLCP (ngày 30/6/2023) nhưng ngày 9/8/2023, lại xuất hiện thêm ổ bệnh dịch mới. Nguyên nhân là chủ hộ chăn nuôi đi vào khu vực chuồng trại có dịch nhưng khi về không thực hiện khử trùng trước khi ra vào chuồng trại của gia đình, vì vậy vi-rút DTLCP từ bên ngoài đã xâm nhập, lây sang đàn lợn của gia đình.
Hay như tại huyện Tràng Định và Văn Lãng, từ đầu tháng 8/2023 đến hết ngày 14/8/2023, tiếp tục xuất hiện ổ bệnh mới tại 9 xã (Tràng Định 4 xã, Văn Lãng 5 xã). Theo báo cáo kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các ổ bệnh DTLCP mới phát sinh tại 2 huyện này đều do người chăn nuôi không những lơ là trong công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi; một số hộ muốn tăng đàn lợn để chuẩn bị cho đợt xuất chuồng phục vụ nhu cầu thực phẩm vào dịp cuối năm, nên đã mua con giống từ nhiều nơi. Tuy nhiên, do bà con mua con giống không có giấy kiểm dịch, lợn giống mang mầm bệnh DTLCP… nên bệnh dịch tiếp tục lây lan cho đàn lợn trước đó của gia đình, cũng như lây sang đàn lợn của các hộ trong cùng địa bàn.
Ông Vi Văn Trường, ở thôn Bản Cảng, xã Khuất Xá (Lộc Bình) chia sẻ, vào 17/5/2023, đàn lợn của gia đình bị nhiễm bệnh DTLCP nên phải tiêu hủy hết. Vừa qua, sau một thời gian để trống chuồng, gia đình tiếp tục nhập giống về nuôi nhưng ngay sau đó lại tiếp tục bị nhiễm bệnh nên lại tiếp tục phải tiêu hủy. Qua giải thích của cán bộ thú y cơ sở thì nguyên nhân là do gia đình không thực hiện phun khử trùng chuồng trại thường xuyên, ngoài ra, trước khi tái đàn, gia đình không thực hiện các biện pháp khử trùng triệt để nên mầm bệnh vẫn tồn tại trong môi trường ở khu vực chuồng nuôi, vì thế, vi-rút tiếp tục xâm nhiễm vào đàn lợn mới.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, vi-rút DTLCP có độc lực cao, khả năng tồn tại trong môi trường rất lâu. Vì vậy, nếu người chăn nuôi không thường xuyên thực hiện các biện pháp như phun thuốc tiêu độc khử trùng để xử lý nguồn vi-rút lây bệnh thì cứ nuôi lợn trong khu vực đó sẽ tiếp tục nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc nhập các giống lợn không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đàn nuôi cũ. Việc người chăn nuôi lơ là, chủ quan, chưa chủ động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn bệnh DTLCP sẽ càng khiến tình hình dịch bệnh khó khống chế.
Toàn tỉnh hiện có hơn 50 nghìn hộ chăn nuôi lợn, trong đó có rất nhiều hộ nguồn thu nhập chính từ việc chăn nuôi lợn. Do vậy, thời điểm này, bên cạnh sự hỗ trợ của lực lượng cán bộ thú y, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi trong khu vực đã phát sinh ổ bệnh cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đặc biệt là cẩn trọng trong việc mua con giống để tái đàn trong thời điểm này.
Tính từ ngày 11/5/2023 đến hết ngày 14/8/2023 đã có 450 hộ chăn nuôi lợn/118 thôn/50 xã/8 huyện có lợn nhiễm bệnh DTLCP bắt buộc phải thực hiện tiêu hủy. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 1.832 con. Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có hơn 169 nghìn con |
TRÍ DŨNG