Đối thoại chủ nhật: Doanh nhân cựu chiến binh đoàn kết, kỷ cương, nghĩa tình, hợp tác cùng phát triển

Chủ nhật, 20.08.2023 | 15:15:06
429 lượt xem

Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2023-2028.

Trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân, Anh hùng Lao động-doanh nhân Lê Văn Kiểm, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam cho biết: Nhiệm kỳ 2023-2028, các doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, hợp tác đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, an sinh xã hội... góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh.

Đối thoại chủ nhật: Doanh nhân cựu chiến binh đoàn kết, kỷ cương, nghĩa tình, hợp tác cùng phát triển
 Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm.

Lớp cha trước, lớp con sau...

Phóng viên (PV): Một trong những nội dung quan trọng của đại hội là sửa đổi, bổ sung điều lệ Hiệp hội khóa III. Theo đó, tên gọi của Hiệp hội được đổi thành Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam. Việc đổi tên này có ý nghĩa như thế nào thưa đồng chí?

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm: Tại đại hội, các đại biểu đều nhất trí khẳng định, để tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội phát triển bền vững, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung điều lệ Hiệp hội, trước hết là thay đổi tên gọi của Hiệp hội; chuyển từ Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam thành Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam.

Theo tôi, điều này xuất phát từ cơ sở thực tiễn. Quá trình hoạt động của Hiệp hội trong những năm qua đang đặt ra thách thức trong việc phát triển nguồn hội viên mới. Hiện nay, những doanh nhân là CCB, do vấn đề tuổi cao, sức yếu đã có xu hướng nhượng quyền lãnh đạo, quản lý, điều hành doanh nghiệp cho con cháu, đồng thời cũng xin nghỉ sinh hoạt hội.

Do vậy, nếu theo điều lệ cũ, những doanh nhân, CCB này và doanh nghiệp do họ quản lý sẽ không còn là thành viên của Hiệp hội nữa. Chính vì vậy, việc đổi tên Hiệp hội thành Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để những doanh nghiệp của CCB và những doanh nhân là con cháu CCB đang giữ vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp của CCB tiếp tục được cống hiến, xây dựng và phát triển Hiệp hội. Điều này tạo sự tiếp nối, giúp Hiệp hội phát triển ổn định, bền vững.

Tôi tin tưởng, các thế hệ tiếp theo của những doanh nhân CCB sẽ luôn phát huy tinh thần truyền thống của người lính, không chùn bước trước mọi khó khăn, thử thách để đưa doanh nghiệp, Hiệp hội phát triển, tiếp tục cống hiến cho gia đình, xã hội, đất nước.

Đối thoại chủ nhật: Doanh nhân cựu chiến binh đoàn kết, kỷ cương, nghĩa tình, hợp tác cùng phát triển
 Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm trao sổ tiết kiệm tặng gia đình cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: LỘC AN

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

PV: Trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay, đâu là lợi thế cũng như khó khăn mà các doanh nghiệp, doanh nhân CCB gặp phải thưa đồng chí?

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm: Cũng như doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp CCB đứng trước nhiều thách thức khi thế giới đang trải qua thời kỳ có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Trong nước, nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Bên cạnh đó, xu hướng già hóa dân số nhanh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa được đẩy mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.

Khó khăn là vậy, nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân CCB có những thuận lợi riêng. Đó chính là tinh thần đoàn kết, tinh thần đồng đội, tương trợ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Ví dụ, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các doanh nghiệp trong Hiệp hội giới thiệu sản phẩm cho nhau, tạo ra mạng lưới tiêu thụ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn trong Hiệp hội sẽ truyền đạt kinh nghiệm quản trị, giúp các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp vừa hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Vì thế, các doanh nghiệp trong Hiệp hội luôn luôn có sự phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Kết quả, trong hai năm dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường phá sản nhưng không có doanh nghiệp nào của Hiệp hội rơi vào tình trạng này. Đây là điều rất đáng tự hào với chúng tôi. Điều này cũng thể hiện rất rõ bản lĩnh của doanh nhân CCB-những người đã trải qua môi trường quân ngũ, khó khăn nào cũng vượt qua.

Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2018-2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong Hiệp hội ước đạt hơn 1.007.251 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước hơn 41.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 779.693 lao động (trong đó có hơn 316.000 CCB và con em CCB, gia đình chính sách), thu nhập bình quân của người lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Tính từ năm 2018 tới nay, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã ủng hộ gần 2.000 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội.

PV: Vậy theo đồng chí, trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp trong Hiệp hội cần làm gì để tiếp tục giữ vị thế của mình?

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm: Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tất cả doanh nghiệp trong Hiệp hội. Vì vậy, nhiệm vụ của các doanh nghiệp trong Hiệp hội lúc này là tái cấu trúc doanh nghiệp, hướng tới đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Đặc biệt, tăng cường áp dụng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và phát triển xanh trong sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường, chống biến đổi khí hậu... Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ, thị trường...

Đặc biệt, nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, với tinh thần “Đoàn kết-kỷ cương-nghĩa tình-hợp tác cùng phát triển”, trong giai đoạn 2023-2028, các doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiệp hội tích cực xây dựng văn hóa doanh nhân CCB Việt Nam theo các tiêu chí: Nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


MINH AN

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-doanh-nhan-cuu-chien-binh-doan-ket-ky-cuong-nghia-tinh-hop-tac-cung-phat-trien-739306

  • Từ khóa