Bắc Sơn: Phát huy thế mạnh từ cây quế

Thứ 2, 21.08.2023 | 14:52:52
465 lượt xem

Xác định kinh tế đồi rừng là mũi nhọn, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã vận động người dân trên địa bàn huyện mở rộng diện tích trồng cây quế. Hướng đi đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Xác định kinh tế đồi rừng là mũi nhọn, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã vận động người dân trên địa bàn huyện mở rộng diện tích trồng cây quế. Hướng đi đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.


Người dân thôn Nà Thí, xã Vạn Thủy phát cỏ, chăm sóc rừng quế

Những ngày đầu tháng 8/2023, có dịp đến xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh rừng quế xanh bạt ngàn, hút tầm mắt trên những quả đồi hai bên đường. Trong lúc đang tất bật thu hoạch vỏ quế để kịp bán cho thương lái, anh Vy Văn Luyện, thôn Nà Thí chia sẻ: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, năm 2012, tôi trồng khoảng 3 ha cây quế. Năm 2017, diện tích quế đến tuổi cho khai thác, gia đình tôi thu hoạch và tiếp tục trồng mới thêm 3 ha. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được từ 2 đến 4 tấn vỏ quế, được thương lái thu mua tận nơi với giá 27.000 đồng/kg tươi và 45.000 đồng/kg khô. Từ trồng quế đã đem lại cho gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ gia đình anh Luyện, những năm qua, cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Vạn Thủy. Ông Lưu Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Vạn Thủy cho biết: Để cây quế phát triển bền vững, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn chuyên đề cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Nhờ sự định hướng của xã và sự chủ động, tích cực của người dân, diện tích cây quế của xã được nâng lên, đến nay, diện tích quế toàn xã đạt trên 700 ha, tăng 200 ha so với năm 2020; sản lượng khai thác đạt trên 60 tấn/năm, giá trị kinh tế đem lại trên 1,3 tỷ đồng. Nhờ trồng quế mà đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thu nhập từ 100 đến 250 triệu đồng/năm.

Hiện nay, cây quế không chỉ được trồng tập trung tại xã Vạn Thủy mà còn được trồng tại các xã: Tân Tri, Tân Thành, Nhất Tiến, Nhất Hòa… với tổng diện tích toàn huyện trên 1.000 ha. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn huyện khai thác và tiêu thụ trên 163 tấn vỏ quế, trị giá trên 7 tỷ đồng; hầu hết các hộ trồng quế có thu nhập trung bình từ 100 đến 300 triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát triển cây quế bền vững, phòng chú trọng hướng dẫn người dân lựa chọn các loại giống tốt, sạch sâu bệnh, rõ nguồn gốc. Từ năm 2020 đến nay, phòng đã hỗ trợ trên 300.000 cây quế giống và phân bón để người dân chăm sóc, mở rộng diện tích. Đồng thời, phòng cũng tập trung tuyên truyền người dân đầu tư, chăm sóc để duy trì những diện tích quế đang cho thu hoạch; cải tạo, thay thế dần những diện tích đã già cỗi, năng suất thấp; đảm bảo quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật. Cùng đó, hằng năm, các cơ quan chuyên môn huyện phối hợp với các xã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trung bình mỗi năm mở từ 6 đến 8 lớp cho khoảng 500 lượt người tham dự nhằm trang bị thêm kiến thức trong trồng và chăm sóc cây quế cho người dân trên địa bàn huyện.

Anh Dương Minh Giang, thôn Suối Táp, xã Tân Tri cho biết: Năm 2012, gia đình tôi trồng gần 1.000 cây quế trên diện tích 4 ha. Nhận thấy cây quế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã nên hằng năm gia đình tôi đều trồng mới cây quế, đến nay, gia đình đã trồng được 1 vạn cây quế. Qua các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế do các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp tổ chức, tôi đã áp dụng vào thực tế sản xuất nên rừng quế phát triển tốt. Từ năm 2020 đến nay, gia đình khai thác tỉa được từ 1,5 đến 2 tấn vỏ quế/năm, đem lại cho gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh các giải pháp cụ thể, UBND huyện còn chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết 15 ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND  để phát triển rừng quế. Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện đã phê duyệt 10 dự án vay vốn từ Nghị quyết 08 và Nghị quyết 15 để người dân có vốn phát triển rừng quế, với số tiền giải ngân trên 5 tỷ đồng.

Với sự định hướng, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng sự tích cực, chủ động của người dân, mô hình trồng quế trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, trung bình mỗi năm, huyện Bắc Sơn trồng mới trên 100 ha quế. Từ phát triển trồng quế người dân trên địa bàn huyện đã có nguồn thu nhập đáng kể, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/605302-bac-son-phat-huy-the-manh-tu-cay-que.html

  • Từ khóa