Tín dụng tăng thấp, ngân hàng quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ

Thứ 3, 22.08.2023 | 14:52:36
259 lượt xem

“Tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng”.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại hội thảo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức với chủ đề: “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, diễn ra sáng 22/8, tại Hà Nội.

7 tháng, tín dụng đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Việt Nam đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp. Phía Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, có công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có các chương trình tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp.

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang cho biết, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.

Cũng theo bà Hà Thu Giang, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Nhưng hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).

“Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư 6 thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn,” bà Hà Thu Giang nhận định.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).

Cùng gỡ điểm nghẽn

Những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn.

“Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trong khi đó, đề cập đến giải pháp làm thế nào để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) Phạm Thế Anh nêu quan điểm, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản; sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn.

"Dù vậy, cũng cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa”, ông Phạm Thế Anh lưu ý.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực. Bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Đồng thời, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm VAT hàng thiết yếu nội địa…

“Ưu điểm của chính sách này là đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu. Hiệu quả do xu hướng tiêu dùng biên cao. Vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, ít tác động phụ,” ông Thế Anh cho biết thêm.

Ngoài ra, các diễn giả tại Hội thảo cũng chỉ ra một số điểm nghẽn còn tồn tại cần sớm được tháo gỡ như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả; doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa;…

“Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ các Quỹ", Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-dung-tang-thap-ngan-hang-quyet-liet-tim-giai-phap-thao-go-post768578.html

  • Từ khóa