Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn.
Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng chụp ảnh sản phẩm mật ong để quảng bá trên mạng xã hội
Được thành lập năm 2020, HTX Chế biến nông sản Lụa Vy, huyện Chi Lăng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nông sản với sản phẩm chính là Trà Diếp cá và Trà Xạ đen cùng một số sản phẩm khác. HTX được thành lập và đi vào hoạt động trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Trước thực tế như vậy, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình, lãnh đạo HTX đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi để quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok…
Bà Vi Thị Lụa, Giám đốc HTX cho biết: Để đạt được hiệu quả cao, HTX đã chủ động tìm tòi, học hỏi để xây dựng tài khoản riêng, tạo dựng các nội dung quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội đa dạng, sinh động, thu hút người xem. Đến nay, tài khoản của HTX trên các nền tảng mạng xã hội có hàng nghìn lượt người theo dõi, trong đó nổi bật là tài khoản Tiktok có tên “Cô gái Tày Lụa Vy” quảng bá các sản phẩm của HTX có trên 25.000 lượt theo dõi với hàng triệu lượt xem. Từ việc quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội giúp HTX thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Bình quân mỗi năm, HTX tiêu thụ 60.000 – 70.000 sản phẩm các loại (trong đó chủ yếu là Trà diếp cá), lợi nhuận đem lại khoảng 1 tỷ đồng, trong đó có đến 80% sản phẩm được người tiêu dùng biết đến và mua thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Giống như HTX Chế biến nông sản Lụa Vy, HTX Thành Lộc, huyện Lộc Bình cũng nắm bắt xu thế để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Ông Lý Minh Hiếu, Giám đốc HTX cho biết: HTX Thành Lộc được thành lập từ tháng 7/2020 với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gà thịt, giống gà 6 ngón. Để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của mình, HTX đã xây dựng fanpage “Nông trại Thành Lộc” và “Thực phẩm nông trại Thành Lộc” với trên 2.000 lượt theo dõi. Với lượng theo dõi và tương tác trên mạng xã hội giúp cho việc quảng bá sản phẩm của HTX thuận lợi hơn. Hiện nay, bình quân mỗi tháng HTX bán gà thịt được 130-150 triệu đồng (chủ yếu bán qua mạng xã hội) cùng hàng chục nghìn con gà giống. Doanh thu bình quân đạt 300 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân thành viên đạt 8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay , toàn tỉnh có 402 HTX đang hoạt động, trong đó có trên 30% các HTX thường xuyên có hoạt động quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội (chủ yếu là các HTX hoạt động khá, tốt). Ngoài ra, nhiều HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ theo mùa vụ. |
Bên cạnh 2 HTX kể trên, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, nhiều HTX đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi để quảng bá các sản phẩm của mình trên các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, nhiều HTX đã xây dựng được nội dung quảng bá phong phú, hấp dẫn từ quy trình sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Cùng với sự chủ động của các HTX, các cơ quan liên quan cũng triển khai giải pháp để hỗ trợ HTX nâng cao hiệu quả quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh cùng các cơ quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ quản lý, thành viên HTX. Trong đó, bình quân mỗi năm tổ chức 14 – 16 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, thành viên các HTX, trong đó có 3 – 4 lớp tập huấn về nội dung liên quan đến quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, các cấp, ngành liên quan hỗ trợ 90 lượt HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP (trong đó có nội dung quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội)…
Từ sự chủ động của các HTX và sự hỗ trợ của Nhà nước, việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các HTX trên các nền tảng mạng xã hội trên địa bàn tỉnh diễn ra khá mạnh mẽ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 402 HTX đang hoạt động, trong đó có trên 30% các HTX thường xuyên có hoạt động quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội (chủ yếu là các HTX hoạt động khá, tốt). Ngoài ra, nhiều HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ theo mùa vụ… Hiệu quả từ việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội góp phần vào sự phát triển chung của các HTX. Ước 8 tháng đầu năm 2023, doanh thu bình quân một HTX trên địa bàn tỉnh đạt 0,5-1,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt 3,5-8 triệu đồng/người/tháng.
Tân An/baolangson.vn