Trong năm 2020, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động trong nước.
Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cũng có kế hoạch hỗ trợ cho khoảng 100.000 lao động thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 63 đến 65% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24 đến 25%); hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng trên 2 triệu lao động, nâng tỷ lệ lao động có việc làm thông qua các trung tâm lên 35%.
Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm năm 2019. Ảnh minh họa. |
Theo chu kỳ của thị trường lao động, thời điểm sau Tết là lúc các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong năm 2020. Do đó, đây là cơ hội để người lao động, nhất là sinh viên vừa tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu chuyển dịch tìm việc làm phù hợp.
Chẳng hạn như tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động cho biết, tháng 2/2020, khu vực này sẽ cần khoảng 30.000 chỗ làm việc, tập trung chủ yếu ở các ngành như dệt may, giày da, cơ khí-tự động hóa, chế biến thực phẩm, kinh doanh-thương mại, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, dịch vụ thông tin tư vấn-chăm sóc khách hàng.
Dự kiến tỷ lệ dịch chuyển lao động sẽ ở mức 7-10%, tiếp tục tập trung trong các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ, phục vụ và lao động phổ thông trong các doanh nghiệp dệt may, da giày, nhà hàng, khách sạn, bảo vệ...
Năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cũng đặt mục tiêu đưa được 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.
Năm mới 2020 này, một số thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động nước ta là: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Một số thị trường ở châu Âu có nhu cầu ngày càng cao trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam như: Nga, Romania, Đức, Ba Lan, Latvia, Áo...
Dự kiến, trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ký với cơ quan lao động của Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại Đức trong các lĩnh vực: xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng.
Trước đó vào năm 2019 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 152.500 lao động, đạt 127,1% kế hoạch năm 2019. Trong đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Romania.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp số lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 120.000 lao động/năm, nâng tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên khoảng 650.000 người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau./.
Bích Ngọc/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/dat-muc-tieu-giai-quyet-viec-lam-cho-15-trieu-lao-dong-nam-2020-1002511.vov