Trong những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn vay nước ngoài (ODA) để xây dựng, cải thiện hạ tầng giao thông. Qua đó, góp phần giúp người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy thông thương, phát triển sản xuất.
Nhà thầu tổ chức thi công đường Hoa Thám – Quý Hoà – Vĩnh Yên, huyện Bình Gia
Theo thống kê, giai đoạn 2018 – 2023, từ nguồn vốn ODA, tỉnh đã đầu tư 10 công trình hạ tầng giao thông khu vực vùng sâu, đặc biệt khó khăn với tổng chiều dài hơn 121 km trên địa bàn các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng và Hữu Lũng.
Cụ thể, Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ giai đoạn 2018 – 2023 có 6 tuyến đường với tổng chiều dài 59,37 km đầu tư tại các huyện: Văn Quan, Văn Lãng, Hữu Lũng, Bình Gia, Tràng Định và Lộc Bình. Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn – Tiểu dự án Lạng Sơn, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện giai đoạn 2018 – 2023, có 4 công trình hạ tầng giao thông với tổng chiều dài 62,5 km tại các huyện Bình Gia, Văn Quan và Đình Lập.
Đến nay, các công trình đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng trong liên kết vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất; đời sống của người dân tại các khu vực có dự án đi qua được cải thiện đáng kể.
Bà Chu Thị Hải, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bình Gia cho biết: Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện được triển khai 3 công trình cải tạo nâng cấp tuyến đường huyện sử dụng vốn vay nước ngoài với tổng chiều dài 50 km đi qua địa bàn 7 xã đặc biệt khó khăn của huyện. Đến nay, các công trình đều đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, giúp nâng tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường huyện trên địa bàn huyện Bình Gia từ 27% (năm 2020) lên 89,2%.
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Để huy động nguồn vốn ODA cho các công trình giao thông tại khu vực vùng sâu, đặc biệt khó khăn, sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng danh mục để kêu gọi vốn, chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án và quản lý sử dụng vốn theo đúng mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, sở và các đơn vị chủ đầu tư còn chủ động làm việc với các huyện được thụ hưởng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Nhờ vậy, khi các dự án được triển khai đều cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra. Các công trình sử dụng vốn ODA đã góp phần nâng tỷ lệ cứng hoá đường đến trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 8/2023 đạt 96,6%.
Các công trình giao thông đầu tư từ nguồn vốn ODA cùng với các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công trong nước đã đưa diện mạo hạ tầng giao thông khu vực các thôn, xã vùng sâu của tỉnh thay đổi rất lớn.
Thôn Ngàn Chả, thuộc xã Bính Xá, huyện Đình Lập là thôn vùng sâu đặc biệt khó khăn của xã Bính Xá, trước đây, bà con trong thôn mỗi khi có việc phải ra xã thường đi từ 50 phút đến 1 tiếng để vượt qua quãng đường khoảng 8 km. Nhưng giờ đây, từ địa bàn thôn Ngàn Chả, bà con đi xe máy chỉ mất khoảng 15 phút là tới UBND xã Bính Xá trên quốc lộ 31 và chỉ mất khoảng 20 phút đi xe máy là ra tới quốc lộ 4B địa bàn xã Đình Lập.
Ông Triệu Văn Lý, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Chả cho biết: Thôn có 19 hộ đều là bà con đồng bào dân tộc Dao, dù đất đai rộng nhưng vì giao thông không thuận nên việc sản xuất của bà con rất khó khăn. Đến năm 2021, nhà nước triển khai xây dựng mở mới tuyến đường Khau Bân – Còn Quan – Nà Lừa chiều dài gần 20 km kết nối quốc lộ 4B với quốc lộ 31 đi qua địa bàn hai xã Đình Lập và Bính Xá, bà con rất phấn khởi bởi cái khó về đường giao thông đã được tháo gỡ. Đời sống của bà con đang dần khởi sắc, bởi có đường giao thông thuận lợi sẽ là điều kiện cho bà con phát triển trồng rừng, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.
Các công trình hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay nước ngoài đã, đang phát huy hiệu quả không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn khu vực vùng sâu đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn mà còn giúp tỉnh thực hiện hoàn thành nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo. Tính đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hoá đạt 96,6%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hoá đạt 80,2%.
TRANG NINH