Với việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp, giao thông kết nối thuận lợi, trong những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 10,5 tỷ USD vốn FDI, là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh luôn đứng thứ tư trong cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.
Đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội chạy ngang phía nam tỉnh, có tính kết nối cao, tạo thuận lợi để Thái Nguyên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Hiện nay, Thái Nguyên đang khẩn trương triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, trong đó nỗ lực xây dựng các tuyến giao thông kết nối với các trung tâm công nghiệp, triển khai đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới nhằm tạo dư địa đón đầu “làn sóng” đầu tư những năm tới.
Động lực phát triển
Nắm bắt tiềm năng, lợi thế giáp Thủ đô Hà Nội, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khám, chữa bệnh, giao thông kết nối thuận tiện, từ năm 2010 đến 2013 tỉnh Thái Nguyên chủ động triển khai xây dựng những khu công nghiệp hiện đại để đón các nhà đầu tư. Khu công ngiệp Yên Bình I rộng 400 ha được xây dựng ngay bên cạnh đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, hạ tầng trong khu công nghiệp này bao gồm giao thông, cấp, thoát nước, xử lý nước thải, công nghệ thông tin hiện đại đồng bộ nên đã trở thành điểm đến của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Điển hình là năm 2013, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình I với số vốn ban đầu là hai tỷ USD, sau một năm tăng vốn thêm ba tỷ USD và liên tục sau đó Samsung mở rộng quy mô, đến nay đầu tư hơn 7,5 tỷ USD, sản xuất lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn. Sự đầu tư của Samsung trên diện tích 200 ha tại Khu công nghiệp Yên Bình I đã kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng, các nhà cung ứng cấp 1 không chỉ lấp đầy khu công nghiệp này mà còn đầu tư tại các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định: Thành công của Samsung Việt Nam là kết quả của quá trình luôn kiên định với định hướng đầu tư lâu dài tại Việt Nam, luôn tin tưởng và đồng hành cùng Việt Nam ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Với nền tảng vững chắc tại Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng, những năm tới Samsung sẽ luôn là đối tác tin cậy trên hành trình phát triển.
Tiếp theo Khu công nghiệp Yên Bình I, tỉnh Thái Nguyên triển khai xây dựng Khu A - Khu công nghiệp Điềm Thụy, Sông Công II, mở rộng các khu công nghiệp khác để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, nhất là vốn FDI.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên Lê Kim Phúc cho biết: “Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút khoảng 10,5 tỷ USD vốn FDI, tạo ra giá trị hàng hóa xuất khẩu hơn 30 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động không chỉ cho tỉnh Thái Nguyên mà còn cho các tỉnh lân cận”. Với việc phát triển các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cho tỉnh Thái Nguyên năm 2022 đạt hơn 900 nghìn tỷ đồng, đóng góp lớn trong tổng thu ngân sách đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn hơn 4%.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Với việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch và nỗ lực nhiều mặt của tỉnh cho nên thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên đạt kết quả ấn tượng, có ý nghĩa lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, điển hình là Phổ Yên vốn là một huyện thuần nông, sau đó trở thành thành phố, sớm hơn ba năm so với mục tiêu đề ra; dự kiến huyện Phú Bình sẽ đạt các tiêu chí thị xã trong hai năm tới.
Đón “làn sóng” đầu tư mới
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, đến năm 2030, Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại trong khu vực. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên xác định hạ tầng giao thông kết nối đi trước một bước để tạo tiền đề phát triển công nghiệp giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn rộng từ bốn đến sáu làn xe, trong đó đoạn nút giao Yên Bình kết nối với cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên với Quốc lộ 37 trên địa bàn huyện Phú Bình đã hoàn thành, đang triển khai đoạn Quốc lộ 37 kết nối với tỉnh Bắc Giang.
Dự án giao thông trọng điểm khác có thiết kế hiện đại, kết nối với các tỉnh công nghiệp phát triển là Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc với vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng cũng đang được tỉnh khẩn trương thi công. Dự kiến, một năm tới, hai tuyến đường trọng điểm, có tính kết nối cao sẽ được đưa vào sử dụng, tạo ra không gian thu hút đầu tư để Thái Nguyên phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi bắt tay ngay vào việc triển khai các khu công nghiệp và hàng chục cụm công nghiệp trong quy hoạch nhằm tạo dư địa bất động sản công nghiệp để đón “làn sóng” đầu tư trong những năm tới. Cụ thể, chúng tôi đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đối với hầu hết các khu công nghiệp trong quy hoạch, tạo cơ sở pháp lý để hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư”.
Theo đó, trên cơ sở giao thông kết nối thuận tiện, thời gian tới tỉnh đầu tư mới và mở rộng tổng số 12 khu công nghiệp, nâng tổng diện tích đất các khu công nghiệp lên 4.245 ha, gấp 3 lần so với hiện nay và hơn 40 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 2.000 ha.
Đến thời điểm này, bất động sản công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không còn nhiều cho nên tỉnh rất quan tâm xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới và mở rộng các khu, cụm công nghiệp đã có để thu hút đầu tư. Nằm bên cạnh đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, hiện nay Cụm công nghiệp Bảo Lý Xuân Phương ở huyện Phú Bình với diện tích 75 ha đang được khẩn trương xây dựng hạ tầng, cuối năm nay sẽ hoàn thành hạ tầng giai đoạn I để thu hút nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy sản xuất hàng hóa. Đối diện là Cụm công nghiệp Hạnh Phúc Xuân Phương cũng đang được khẩn trương xây dựng hạ tầng để đón nhà đầu tư. Tương tự, Cụm công nghiệp Tân Phú I và Tân Phú II với tổng diện tích 131 ha ở thành phố Phổ Yên đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng, đang được khẩn trương thi công hoàn thiện hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển Yên Bình, tiếp nối thành công của dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình I với diện tích 400 ha đã được lấp đầy, hiện nay công ty đang sẵn sàng đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình II và Yên Bình III với tổng diện tích 600 ha.
Cùng với việc khẩn trương thi công đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn Quốc lộ 37 kết nối với tỉnh Bắc Giang và tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc, tỉnh Thái Nguyên đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đối với Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Phú Bình diện tích hơn 900 ha và Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Phổ Yên cũng với diện tích hơn 900 ha, thời gian tới hoàn thiện các thủ tục pháp lý tiếp theo để đầu tư hai khu công nghiệp có quy mô lớn này.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên Lê Kim Phúc cho biết: Hiện nay chúng tôi đang tích cực phối hợp các sở, ngành hoàn thiện dự thảo các thủ tục pháp lý để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các khu công nghiệp trong quy hoạch, dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ có những khu công nghiệp mới hoàn thành, tạo dư địa bất động sản công nghiệp rất lớn để đón “làn sóng” đầu tư mới, tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn trong giai đoạn mới.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thai-nguyen-tao-khong-gian-thu-hut-dau-tu-post770390.html