Sau một thời gian dài tăng trưởng ở mức cao, xuất nhập khẩu đang đối diện với nhiều khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, các bộ, ngành, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng cho xuất nhập khẩu.
Xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của nền kinh tế.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng
Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng qua ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này còn cao hơn kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm ngoái. Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, thanh long là trái cây đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này. Đặc biệt xuất khẩu sầu riêng 8 tháng chiếm 30% tổng kim ngạch.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: “Nguyên nhân xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh là do tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ loại quả này ở các tỉnh phía nam nên lượng hàng xuất sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến. Từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng sẽ tăng vọt và xuất khẩu sầu riêng vượt 1 tỷ USD”.
Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.
Rau quả là một trong những điểm sáng trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của nước ta thời gian qua. Trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 10 năm từ năm 2012 đến năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại.
Lý giải cho thành tích xuất nhập khẩu thời gian qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Việt Nam đã có một hệ thống doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt, trong bối cảnh thế giới đứt gãy nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa, chúng ta đã mở cửa đúng lúc, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tìm kiếm thị trường mới.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu; Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, nếu năm 2006, nền kinh tế Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa thì đến năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ghi nhận thứ hạng của Việt Nam tăng ấn tượng về xuất khẩu hàng hóa là thứ 23 và nhập khẩu là thứ 20 trên thế giới. Hiện Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Đáng lưu ý, từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục với con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, thâm hụt lớn nhất được ghi nhận lên đến 18,02 tỷ USD trong năm 2008.
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đổi chiều, chuyển sang thặng dư liên tục, (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Năm 2022, dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, xuất siêu cả năm 2022 vẫn đạt con số kỷ lục là 12,4 tỷ USD. Tính đến 15/8, xuất siêu đạt 16 tỷ USD.
Đáng lưu ý, Việt Nam có quan hệ thương mại rộng khắp với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tập trung vào các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN...
Đánh giá về thành tích xuất nhập khẩu của nước ta thời gian qua, Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), cho biết: “Có thể thấy, xuất khẩu hiện nay trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế nước ta. Trước khi cải cách và đổi mới, xuất khẩu của nước ta rất nhỏ, nhưng từ khi có đổi mới với rất nhiều chính sách của nhà nước về tự do hóa đối với thương mại và hội nhập quốc tế thì xuất khẩu của Việt Nam đã có những bước nhảy vọt. Hiện nay, chúng ta là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới”.
Nỗ lực vượt qua khó khăn
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. |
Sau thành tích vượt trội của năm 2022 và những năm trước đó, năm 2023 đánh dấu một năm vô cùng khó khăn của hoạt động xuất nhập khẩu khi cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều suy giảm do tình hình khó khăn chung. Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã liên tục triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại. Nhờ đó, liên tục trong 3 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu đã dứt được đà suy giảm. Mức tăng dù thấp song cũng là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế khi doanh nghiệp đã tìm kiếm được thêm các đơn hàng mới, tháo gỡ được phần nào khó khăn.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước cũng có những dấu hiệu phục hồi. Ở nửa đầu tháng 8, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 14,2 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng lớn nhất với kim ngạch 4,1 tỷ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng “tỷ đô” thứ hai với 1,87 tỷ USD. Đây là tín hiệu vui cho thấy kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng hơn trong thời gian tới bởi nhập khẩu hàng hóa chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng hóa phục vụ cho sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 9/2023. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nhập khẩu tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam thông qua sự kiện quan trọng này.
Về phía các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có 3 yếu tố sẽ quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm.
Cụ thể, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.
Nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, bảo đảm có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.
Các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác.
Với kịch bản thuận lợi đó, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15-16% so với năm 2022.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/vuot-qua-kho-khan-no-luc-tim-lai-da-tang-truong-post770689.html