Chiều 7/9, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp các tháng cuối năm.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trung ương giao là trên 3.890 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2023, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết 3.338 tỷ đồng, đạt 85,5% kế hoạch.
Kết quả giải ngân, tính đến hết ngày 31/8/2023 các chủ đầu tư, đã giải ngân được 1.488 tỷ đồng, đạt 38,2% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước 1,4%.
Đối với nguồn vốn do cấp tỉnh quản lý, có 29 đơn vị được giao vốn gồm 21 cơ quan, chủ đầu tư của tỉnh và 8 UBND huyện, thành phố với số vốn giao 2.820 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2023, các chủ đầu tư mới giải ngân được 815 tỷ đồng. Đáng chú ý có tới 11 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung toàn tỉnh; 6 chủ đầu tư chưa giải ngân; chỉ có 12 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức bình quân chung toàn tỉnh.
Đối với nguồn vốn do cấp huyện quản lý, tổng vốn giao trên 1.700 tỷ đồng (gồm cả nguồn vốn 2022 chuyển sang năm 2023), các huyện, thành phố đã giải ngân được hơn 820 tỷ đồng.
Trong đó, giải ngân vốn kế hoạch năm 2023, huyện Bình Gia có khối lượng giải ngân cao nhất đạt 66%; huyện Văn Lãng thứ 2 đạt 58% và huyện Bắc Sơn đạt 57%; các huyện giải ngân đạt thấp gồm: huyện Văn Quan 28%; Lộc Bình 32% và thành phố 37%.
Đại diện chủ đầu tư phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, các đơn vị đã giải trình nguyên nhân, kết quả giải ngân đạt thấp do vướng mắc về mặt bằng;một số dự án trọng điểm đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục chưa khởi công…
Đại diện một số sở, ngành đề xuất một số giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như: các chủ đầu tư cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức rà soát tình hình triển khai các công trình dự kiến hoàn thành năm 2023; tập trung giải ngân dứt điểm đối với nguồn vốn kéo dài năm 2022 chuyển sang 2023 trong tháng 9/2023; tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng các dự án; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây lắp…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận khối các huyện, thành phố và các ban quản lý dự án chuyên trách đều rất nỗ lực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Một số chương trình, dự án không giải ngân được do vướng mắc về thủ tục đầu tư chậm; thiếu nguồn dẫn đến chưa thực hiện giải ngân như dự án cao tốc đoạn cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 18 – km 80…
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023, đồng chí yêu cầu các chủ đầu tư, UBND các huyện phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư. Theo đó, các cơ quan đơn vị, phải rà soát lại tình hình thực hiện các dự án; thực hiện cam kết, đăng ký với tỉnh về khối lượng giải ngân theo từng tháng, quý. Mục tiêu đặt ra đến cuối tháng 9/2023 phấn đấu giải ngân đạt trên 50% kế hoạch. Cùng đó, các chủ đầu tư tiếp tục bám sát tiến độ, tăng cường đôn đốc công tác thi công của các nhà thầu.
Đối với các dự án trọng điểm, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục, nhất là báo cáo đánh giá tác động môi trường để tổ chức khởi công trong quý IV/2023. Song song với đó, các chủ đầu tư phối hợp với các huyện chủ động triển khai trước một bước việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ các dự án này.
Về giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các huyện tiếp tục rà soát khối lượng và kiểm soát tiến độ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trong những tháng cuối năm.
Theo baolangson.vn