Đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP

Thứ 7, 09.09.2023 | 00:00:00
362 lượt xem

Việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì đây là vấn đề mới nên khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan hầu hết các hoạt động của nền kinh tế.

Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương.


Xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường quy mô kinh tế số và đánh giá mức độ chuyển đổi số phù hợp thực tế hoạt động của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế là một trong những yêu cầu cơ bản để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế số của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, vì đây là vấn đề mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan hầu hết các hoạt động của nền kinh tế.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê về vấn đề này.

Phóng viên: Các văn bản định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đều đề cập đến phát triển kinh tế số với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP, đến năm 2030 đạt tỷ trọng 30% GDP. Xin bà cho biết hiện nay, việc đo lường kinh tế số ở Việt Nam đang được triển khai như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước.

Đây cũng là một trong 23 chỉ tiêu thống kê phản ánh chuyển đổi số và xã hội số được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Nghị định số 94/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP).

Cùng với đó, Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có chỉ tiêu Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn.

Các chỉ tiêu này do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố. Tuy nhiên hiện nay, việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP/GRDP.

Đây là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế. Hiện nay, Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc chưa ban hành phương pháp luận và tài liệu hướng dẫn để thống nhất thực hiện biên soạn chỉ tiêu này trên toàn thế giới.

Phóng viên: Vậy chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam về đo lường kinh tế số như thế nào, thưa bà?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Hướng dẫn đo lường kinh tế số được quan tâm nhiều nhất trên thế giới hiện nay là của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo hướng dẫn của OECD, nền kinh tế số được tiếp cận đa chiều theo cả giao dịch số, ngành số và sản phẩm số, đồng thời có khuyến nghị các quốc gia xây dựng bảng nguồn và sử dụng số (D.SUT) dựa trên cấu trúc của bảng nguồn và sử dụng (SUT) tiêu chuẩn để đo lường nền kinh tế số thông qua việc thêm 7 ngành kinh tế mới và 4 sản phẩm số mới.

Với cách tiếp cận theo hướng dẫn của OECD, nền kinh tế số sẽ được nhìn nhận đa chiều, cung cấp một lượng lớn thông tin, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chính sách phát triển kinh tế số đa dạng từ góc độ giao dịch, sản phẩm và ngành kinh tế số. Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương

Tuy nhiên việc phân định các ngành kinh tế và ngành sản phẩm theo 7 ngành kỹ thuật số là khó khăn và chưa thể tính toán được tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP một cách tổng quan nhất theo ngành kinh tế. Do vậy, hiện nay chưa thể biên soạn được chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP, GRDP.

Hơn nữa, việc xây dựng D.SUT sẽ mất thời gian và tốn nhiều nguồn lực, việc thiếu thông tin chi tiết để phân chia thành các sản phẩm số, ngành số thường đòi hỏi phải sử dụng mô hình hóa để xử lý trong quá trình hoàn thiện bảng SUT.

Hướng dẫn về đo lường kinh tế số của ADB, ước tính đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP dựa trên bảng cân đối liên ngành (IO). Theo đó, nền kinh tế số là sự đóng góp của bất kỳ giao dịch kinh tế nào liên quan đến cả sản phẩm kinh tế số và ngành kinh tế số trong GDP;

Đồng thời đo lường đóng góp của ngành kinh tế số trong GDP dựa vào ảnh hưởng của ngành kinh tế số (ngành lõi) bởi tiêu dùng cuối cùng của chính nó và tiêu dùng cuối cùng của các ngành khác (ngành phi số) có sử dụng hoặc phụ thuộc vào các ngành kinh tế số qua liên kết xuôi (ngành kinh tế được số hóa).

Tuy nhiên, việc tính toán chỉ tiêu này hằng năm và tính cho các địa phương là khó khả thi vì ở Việt Nam bảng IO thường được biên soạn theo chu kỳ 5 năm/lần cho phạm vi cả nước.

Phóng viên: Vậy thực trạng nguồn thông tin ở Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì đối với công tác đo lường kinh tế số, thưa bà?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trên cơ sở áp dụng lý luận của OECD, ADB và thực trạng nguồn thông tin của Việt Nam, Tổng cục Thống kê đã xác định khái niệm, phạm vi và phương pháp đo lường tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam như sau:

Về khái niệm, kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin-viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu hoạt động kinh tế.

Phạm vi kinh tế số bao gồm ngành kinh tế số hỗ trợ các hoạt động kinh tế (kinh tế số lõi) và ngành kinh tế được hỗ trợ bởi kinh tế số (hoạt động số hóa của các ngành kinh tế khác).

Theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC) 2018, các ngành kinh tế số lõi gồm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm;bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông; xuất bản phần mềm; viễn thông; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; cổng thông tin; sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi; sửa chữa thiết bị thông tin liên lạc.

Các ngành được hỗ trợ bởi các ngành kinh tế số lõi chính là các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, gọi chung là số hóa của các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế theo VSIC 2018.

Giá trị số hóa của các ngành kinh tế khác là giá trị tăng thêm mà ngành đó đạt được nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hay quản lý điều hành.

Về phương pháp, đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu, việc biên soạn chỉ tiêu này được thực hiện ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP và GRDP được biên soạn theo giá hiện hành.

Để đo lường và tính toán đóng góp của các hoạt động thuộc kinh tế số (lõi), thông tin được thu thập từ các nguồn điều tra thống kê, báo cáo thống kê, khai thác dữ liệu hành chính.

Ngoài các nguồn thông tin đã nêu trên, để đo lường và tính toán đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong các hoạt động kinh tế còn phải tiến hành thu thập thông tin để lập bảng IO định kỳ 5 năm một lần và cập nhật hằng năm.

Phóng viên: Tổng cục Thống kê đề xuất giải pháp gì để hoàn thiện đo lường kinh tế số tại Việt Nam, thưa bà?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Để đo lường đầy đủ, toàn diện đóng góp kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm, thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò kinh tế số trong nền kinh tế.

Hiện nay, nhận thức, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số chưa được đầy đủ trong xã hội. Thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta hiện nay. Tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành, địa phương để chia sẻ thông tin liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số phục vụ biên soạn chỉ tiêu đo lường kinh tế số.

Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng thể chế để bố trí nguồn lực phù hợp, thúc đẩy ứng dụng kinh tế số trong các hoạt động kinh tế và quản lý, điều hành. Các bộ, ngành cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để huy động và sử dụng các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế số đạt được mục tiêu đã đề ra.

Về phía các địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực, hỗ trợ thu thập thông tin phục vụ biên soạn các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện các điều tra chuyên sâu để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động số hóa và các hệ số kỹ thuật phục vụ phản ánh đầy đủ, sát thực đóng góp của kinh tế số trong phát triển kinh tế -xã hội của nước ta.

Xin trân trọng cảm ơn bà!


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/do-luong-dong-gop-gia-tri-gia-tang-cua-kinh-te-so-trong-gdp-post771368.html

  • Từ khóa